Chuyện về người thầy nuôi dạy trẻ

08:13, 20/11/2013

“Xưa nay trong suy nghĩ của nhiều người dạy bậc mầm non phải là những cô giáo. Vì thế, khi tôi đến với nghề này đã gặp không ít khó khăn bởi phụ huynh nhìn với ánh mắt e ngại, thiếu sự tin tưởng khi giao con cho tôi chăm sóc…. Song tôi lại suy nghĩ khác, những việc phụ nữ làm được thì nam giới cũng làm được. Và bằng lòng yêu nghề, mến trẻ dần dần tôi đã tạo được niềm tin và làm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh đối với những thầy giáo làm nghề nuôi dạy trẻ”, đó là chia sẻ của thầy giáo Hoàng Văn Thể, Trường Mầm non xã Tân Đức, huyện Phú Bình…

Thầy Hoàng Văn Thể đến với nghề nuôi dạy trẻ rất ngẫu nhiên. Đó là năm 2000, khi vừa vừa tốt nghiệp THPT, do thiếu giáo viên, cô Nguyễn Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Đức lúc bấy giờ đã mời Thể ra đứng lớp. Thầy Thể được giao trông trẻ tại xóm Ngọc Sơn. Những ngày đầu làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ thầy giáo mầm non trường làng Hoàng Văn Thể gặp không ít khó khăn bởi sự thiếu tin tưởng của các bậc phụ huynh, bị bạn bè đùa cợt nghề nghiệp của mình. Song cái khó nhất đối với thầy là không có chuyên môn nghiệp vụ. Lớp học phải học nhờ nhà văn hóa, các đồ dung dạy học không có gì. Lương của thầy được nhân dân trả bằng thóc, gạo, đỗ, lạc… phải mang ra chợ huyện bán, song thầy vẫn không nản, quyết bám trụ với nghề.

 

Với suy nghĩ, không có việc gì khó, thầy Thể đã chủ động gặp các giáo viên đi trước để học hỏi kinh nghiệm, tự mượn tài liệu về đọc để hiểu tâm lý, cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Trò chuyện cùng chúng tôi Thầy kể: “Chính sự ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ đã giúp tôi cảm nhận được trách nhiệm của một người thầy giáo đứng lớp. Những ngày buổi học đầu tiên đối với tôi vô cùng khó khăn. Giảng chữ cho học sinh còn đơn giản nhưng khi dạy các em học múa, học hát, tôi cảm thấy mình rất ngượng ngùng và khô cứng. Tay không thể múa dẻo, giọng không thể mềm mại như các cô giáo. Nhưng tôi đã cố gắng vượt qua chính mình để tạo lớp học có những buổi sinh hoạt thật sự vui vẻ”. Rồi Thầy cũng quen dần với công việc dỗ dành những em nhỏ hay nũng nịu, hay chỉ bảo cho những trẻ hay quậy phá trong lớp.

 

Với suy nghĩ nếu chỉ dạy trẻ bằng kinh nghiệm học được của đồng nghiệp và sự sáng tạo của bản thân rất khó, năm 2001 thầy quyết định làm hồ sơ dự thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Thái Nguyên. Sự ngượng ngùng, e dè khi là người đàn ông duy nhất ngồi trong lớp, xung quanh đều là con gái, đôi lúc anh cảm thấy mình thật thua bạn kém bè. Nhưng tất cả những điều đó đã được xua tan để nhường chỗ cho sự quyết tâm học tập để trở thành một người thầy giáo tốt. Sau 2 năm nỗ lực học tập, tốt nghiệp thầy trở về lớp cũ, trường xưa. Với kiến thức đã thu lượm được, thầy đã vận dụng làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

 

Chia sẻ về lý do chọn nghề đặc biệt này, thầy Thể tâm sự: “Mình chọn nghề này xuất phát từ sự yêu mến tâm hồn trong sáng của trẻ thơ”. Ban đầu, không ít người ái ngại khi thấy thầy dạy mầm non. Thế nhưng, cứ nhìn thầy ngồi cột tóc, dạy múa hát, dạy vẽ tranh, chơi với trẻ, dỗ dành trẻ ăn rất khéo léo thì nhiều người phải suy nghĩ lại. Để theo đuổi nghề lâu dài, thầy Thể đã gặp không ít khó khăn về kinh tế vì lúc đó vợ chưa có việc làm, con còn nhỏ. Dạy mầm non hợp đồng gần 10 năm, thời gian đầu lương của thầy được trả bằng lúa, ngô, khoai, sắn. Sau đó mức lương ít ỏi thầy nhận được là 240.000 đồng/tháng. Mãi đến năm 2010, khi trường chuyển đổi mô hình từ dân lập sang công lập, thầy Thể cũng như nhiều đồng nghiệp khác mới được tuyển dụng vào biên chế và mức lương hiện tại của thầy là 3 triệu đồng/tháng.

 

Công việc của thầy giáo mầm non luôn bận rộn như con mọn, hằng ngày Thầy thường đến trường từ 6h30 sáng đến 17h cùng ngày. Với mức lương như trên không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Để cuộc sống gia đình đỡ vất vả, ngoài giờ dạy trên lớp gia đình thầy chăn nuôi lợn, gà, cấy lúa. Với khả năng đánh đàn organ rất giỏi, ngày nghỉ thầy còn nhận đánh đàn thuê cho các đám cưới để nâng cao thu nhập. Trong quá trình công tác, nhận thấy mình phải nỗ lực hơn để nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2010, được sự tạo điều kiện của Nhà trường thầy Thể đã đi học Đại học Sư phạm mầm non, rồi học Trung cấp lý luận chính trị. Gắn bó với Trường Mầm non Tân Đức đến nay đã hơn chục năm, thầy giáo Hoàng Văn Thể đã nếm trải đủ những thăng trầm, ngọt bùi của công việc. Nhưng rồi thời gian cứ thế thấm thoát trôi đi, thầy Thể vẫn âm thầm đứng lớp, tận tâm với công việc của mình.

 

Chẳng dám nghĩ công việc của mình là sự công hiến, nhưng Thầy cho rằng, muốn đứng vững được với nghề này, trước hết phải có một tình yêu trẻ thơ, sự đam mê nghề nghiệp và biết chấp nhận hy sinh đi những cái tôi cá nhân của đời mình. Với sự nỗ lực của bản thân, thầy Hoàng Văn Thể liên tục được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2011 thầy Thể được công nhận là giáo viên dạy giỏi xuất sắc. Và cũng trong năm này, thầy được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.

 

Nhận xét về thầy Hoàng Văn Thể, cô giáo Bùi Kim Anh Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Đức đúc kết ngắn gọn: “Tuy tuổi nghề chưa dài, song thầy là tấm gương sáng về chuyên môn, sự mẫu mực để đồng nghiệp noi theo. Nói về tinh thần bám trụ với nghề của thầy thì tôi thực sự khâm phục”. Với sự nỗ lực không ngừng của bản thân đóng góp cho ngành học mầm non, ngày 17-11 vừa qua, thầy Hoàng Văn Thể là giáo viên duy nhất của tỉnh được Sở Giáo dục & Đào tạo chọn cử đại diện cho hơn 19 nghìn cán bộ, giáo viên dự buổi lễ gặp mặt tuyên dương giáo viên tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2008-2013 do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.

 

Khi được hỏi nếu được lựa chọn lại nghề nghiệp, thầy chọn nghề gì?

 

Thầy Hoàng Văn Thể cười hiền hậu: “Tôi nghĩ mình đã đi đúng hướng. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để không phụ sự tin tưởng của các bậc phụ huynh học sinh, đồng nghiệp, cấp trên dành cho mình”.