Gian nan gieo chữ - trồng người

08:03, 07/11/2013

Người đàn ông nói tiếng phổ thông chưa chuẩn, cố gắng diễn đạt với các thầy cô giáo rằng nhà ông ở lũng xa nhất bản, có 9 đứa con. Cho 6 đứa nhỏ này đi học để mai sau chúng nó đỡ khổ…Cô giáo Nông Thị Nơi, Phân trường  Lũng Luông (Trường Tiểu học Thượng Nung, Võ Nhai) xúc động nhớ lại.

Dưới cái nắng gắt của một ngày tháng 9, một người đàn ông dân tộc Mông dẫn 6 đứa con đến xin nhập học, khi đó năm học 2013-2014 đã bắt đầu được 4 tuần. 6 đứa con của ông, nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 11 tuổi, áo quần không được lành lặn, có đứa đi chân đất. Chúng tỏ ra ngơ ngác, e dè trước những người lạ mặt. Người đàn ông nói tiếng phổ thông chưa chuẩn, cố gắng diễn đạt với các thầy, cô giáo rằng nhà ông ở lũng xa nhất bản, có 9 đứa con. Vì nhà xa lại khó khăn nên 3 đứa lớn không được đi học, ở nhà phát nương, bẫy thú. Mù chữ nên chúng khổ lắm, xuống chợ chẳng biết tính toán gì cả, cho 6 đứa nhỏ này đi học để mai sau chúng nó đỡ khổ… Cô giáo Nông Thị Nơi, Tổ trưởng Phân trường Lũng Luông, thuộc Trường Tiểu học Thượng Nung (Võ Nhai), không khỏi xúc động khi nhớ lại trường hợp này.

 

 

Cô Nơi và các đồng nghiệp tiếp nhận 6 đứa trẻ vào lớp (4 đứa lớn cùng học lớp 1, còn 2 đứa bé nhất thì nhập lớp mầm non) với tâm trạng vừa mừng vừa lo. Mừng vì những lần các cô đi bộ luồn rừng mất bốn giờ đồng hồ đến tận nhà ông La Văn De (tên của người đàn ông nêu trên - PV) để vận động, thuyết phục vợ chồng ông cho con đi học đã đem lại kết quả, nhận thức của họ về việc học của con cái đã có chuyển biến. Nhưng các cô cũng lo bởi nhập học muộn lại không biết tiếng phổ thông, liệu 6 đứa trẻ này có theo kịp chương trình, hơn nữa, chúng sẽ ăn ở ra sao khi nhà quá xa trường… Sau khi các con được vào học, vợ chồng ông De đã dựng một chiếc lều cạnh trường để lũ trẻ ở đó. Chiếc lều nhỏ bé, tạm bợ, chằng đụp bằng cành cây, lá rừng, phủ một tấm bạt, không chăn, không chiếu, cheo leo, chênh vênh như tổ chim giữa lưng núi. Hai cái nồi méo mó, một chiếc đèn pin nhỏ là những thứ đáng kể nhất mà vợ chồng ông có thể trang bị cho cuộc sống tự lập của các con. Đứa lớn chăm đứa bé, thỉnh thoảng 2 anh chị lớn là La Văn Sào và La Thị Mỵ lại vượt rừng để về nhà lấy thức ăn.

 

Dẫn chúng tôi xuống căn lều cùng với một bát cơm nguội trên tay, một chiếc chăn cũ để làm “quà” cho lũ trẻ, cô giáo Nông Thị Nơi bảo: Buổi trưa chúng thường nhịn ăn, tối thì ăn bột ngô nấu lẫn với gạo tấm, muối ăn cũng thiếu. Thương học trò đói, thi thoảng các thầy cô lại mang cho các em một ít cơm hay gói mỳ tôm; mang cho chăn, chiếu, quần áo để các em đỡ rét; hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, dạy các em từng từ tiếng phổ thông. Có lần, đứa bé nhất bị sốt, gào khóc giữa đêm, được các cô nấu cháo cho ăn rồi cho uống thuốc… Giáo viên ở đây không chỉ dạy chữ mà còn thực sự là người bà, người mẹ của học sinh - cô Nơi thoáng chút ngậm ngùi và rồi tỏ ra lạc quan: Khổ vậy nhưng 6 anh em Sào đều chăm học, gần 2 tháng được các thầy cô giáo tận tình dìu dắt, chúng đã theo kịp các bạn cùng lớp.

 

Cũng như anh em La Văn Sào, 106 học sinh tiểu học còn lại của Phân trường Lũng Luông (chia làm 7 lớp) đều là con em đồng bào dân tộc Mông, đa số ở xóm Lũng Luông và một vài em ở xóm Lũng Cà (cùng xã Thượng Nung). Xóm Lũng Luông có 112 hộ, gần 100% là hộ nghèo còn lại là cận nghèo. So với vài năm trước thì đời sống kinh tế của bà con có khá hơn bởi nỗ lực tự thân cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng nhìn chung còn rất nhiều khó khăn nên phụ huynh dù không muốn cũng gần như phó mặc con em mình cho các thầy, cô giáo. Nhà nghèo, buổi trưa ở lại trường phần lớn các em không có thức ăn mang theo nên nhịn qua bữa, có em vì thế mà bị đói lả. Một số em gia đình khá hơn thì mang cơm nắm kèm gói muối, hoặc mèn mén để ăn trưa… 12 giờ, mặc dù bữa cơm đã được nấu xong nhưng các thầy cô giáo chưa thể ăn vì còn bận tâm để ý những học trò lớp mình chủ nhiệm, xem chúng đang chơi đùa ở đâu, hoặc mang cho chúng bát cơm ăn tạm. Chứng kiến những cảnh này, chúng tôi không khỏi chạnh buồn và thực sự cảm phục tấm lòng của 11 thầy cô giáo ở đây.

 

Thật khó có thể tả hết nỗi gian nan của giáo viên và học sinh ở phân trường nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá vôi sừng sững này. Học sinh lớp 1, lớp 2 chưa thể rành tiếng phổ thông, nhiều em khi được gọi lên bảng, bảo đứng lên, ngồi xuống, hoặc đi rửa mặt cứ ngơ ngác, lắc đầu không hiểu, hoặc… không phản ứng gì, giáo viên buộc phải học tiếng Mông để có thể giao tiếp với các em. Phân trường cách trung tâm xã chỉ khoảng 5km, nhưng giáo viên đều phải ở tập thể vì đường đi rất khó khăn. Thiếu phòng, các thầy cô giáo ở chen chúc trong những căn nhà tạm chật hẹp, thiếu thốn nhiều thứ, điện cũng chưa có, soạn giáo án bằng đèn pin. Vậy mà ai cũng yêu nghề, say nghề, coi học sinh như con, em của mình. Cô giáo trẻ Sùng Thị Sinh (22 tuổi) cũng là người Mông, quê ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đang công tác theo chế độ hợp đồng, lương được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng bảo nếu không yêu nghề và quý lũ trẻ thì khó mà yên tâm công tác ở đây...

 

Ngoài giờ lên lớp, cô Sinh thường cùng đồng nghiệp leo núi, vượt rừng đến nhà học sinh để tìm hiểu gia cảnh, phân tích cho đồng bào về tác dụng của việc học chữ, động viên phụ huynh cố gắng cho con đi học đều đặn. Điều đó đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con. Có trường hợp như vợ chồng anh Lý Văn Sàng và chị Sầm Thị Hoa sau khi được vận động đã cho cả 5 đứa con đến lớp, dù phải lo cái ăn hằng ngày và nhà cách trường hàng giờ đi bộ. Cháu lớn nhất là Lý Văn Xì đang học lớp 4, luôn là học sinh giỏi. Trưởng xóm Lý Văn Sinh cho biết: “Bây giờ người dân đều muốn cho con đi học để chúng biết tính toán làm ăn, có trình độ để làm cán bộ. Bà con quý trọng, biết ơn thầy cô giáo và quý cái chữ lắm. Không có tiền để đóng góp nhưng bà con rất tự giác góp công, góp gỗ để sửa chữa và làm thêm phòng học”.

 

Kiên trì “gieo” từng con chữ, những giáo viên ở Phân trường Lũng Luông cảm thấy tự hào, hạnh phúc lớn lao khi học sinh của mình biết đọc, biết viết rồi được lên lớp trên. Năm học vừa qua, Phân trường có 16/88 học sinh đạt học lực giỏi, 21 em có học lực khá, sỹ số được duy trì 98% và 96% học sinh có hạnh kiểm khá, tốt. Con em ở Lũng Luông đã có người học hết THPT, phục vụ trong Quân đội hay đang theo học ngành Sư phạm. Có chữ, có kiến thức và sắp tới đây khi con đường từ trung tâm xã lên xóm được đầu tư nâng cấp, đường điện Quốc gia được kéo tới, bà con ở Lũng Luông, nhất là thế hệ trẻ sẽ có điều kiện đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, như ao ước bấy lâu nay. Đó cũng là những gì mà các thầy cô giáo ở điểm trường này luôn mong chờ…