Về dạy và học môn Giáo dục công dân trong nhà trường

09:37, 21/11/2013

Những năm gần đây, tình trạng học sinh phổ thông vi phạm đạo đức, có lối sống, hành động, việc làm thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng nhiều gây lo ngại cho các bậc phụ huynh, nhà trường cũng như toàn xã hội.

Trên địa bàn tỉnh, nhiều hiện tượng vi phạm đạo đức trong học sinh phổ thông cũng đã xảy ra như: Đánh nhau gây tử vong, quan hệ thầy trò không đúng mức, vẫn còn những biểu hiện tiêu cực trong nhà trường và nhiều hành vi tiêu cực trong xã hội đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình thành nhân cách của học sinh các bậc học. Ngoài những nguyên nhân tác động từ phía gia đình, xã hội thì việc dạy và học đạo đức trong nhà trường đang là vấn đề xã hội quan tâm.

 

Từ những năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức). Việc triển khai môn học Giáo dục công dân đã góp phần giáo dục ý thức, hành vi của học sinh, hình thành và phát triển ở các em nhiều phẩm chất và năng lực cần thiết. Tuy nhiên, thực tế việc dạy môn học này trong nhà trường phổ thông còn nhiều hạn chế, bất cập, nội dung chương trình không hợp lý, nặng về giáo dục chính trị, chưa coi trọng về thực hành giáo dục kỹ năng sống, đánh giá qua các hoạt động cụ thể của học sinh. Nhiều bài học trong sách giáo khoa còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, tình cảm của học sinh; nhiều kiến thức trìu tượng, khó hiểu. Việc kiểm tra, đánh giá môn học vẫn nặng về lý thuyết, đánh giá một chiều, thiếu mềm dẻo trong phương pháp dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đánh giá về mục tiêu dạy người qua môn học Giáo dục công dân còn hạn chế; tình trạng vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên có một phần trách nhiệm thuộc về việc dạy và học môn Giáo dục công dân trong các nhà trường.

 

Dịp 20-11 năm nay, niềm vui của thầy và trò ngành giáo dục trong cả nước được nhân lên gấp bội khi Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, hướng đến phát triển năng lực người học, đạo tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Ra được nghị quyết đã khó, nhưng triển khai nghị quyết còn khó hơn nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW với nhiều bước cụ thể, từ đổi mới chương trình giảng dạy ở các cấp học, bậc học, đổi mới sách giáo khoa đến đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng... Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, thiết nghĩ, chúng ta hãy quan tâm ngay từ những bài học đầu tiên của môn Giáo dục công dân từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông; cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và đặc thù môn học gắn chặt với việc hình thành nhân cách cho học sinh. Nội dung các bài giảng cần tăng cường phần làm quen, tiếp thu, thực hành và trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày; lưu ý các quy phạm đạo đức, ứng xử đúng đắn giữa học sinh với học sinh, học sinh với nhà trường, gia đình và xã hội.

 

Phẩm chất, đạo đức của mỗi học sinh chỉ có ý nghĩa khi được thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể chứ không chỉ nói suông hay học thuộc lòng kiến thức. Các trường sư phạm cần đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên theo hướng đổi mới dạy và học mang tính đặc thù môn học ở bậc học phổ thông. Việc giảng dạy môn Giáo dục công dân không chỉ dừng lại ở đánh giá điểm số với học sinh mà cần dựa vào nhận thức hành vi, thái độ ứng xử đúng đắn của học sinh. Và mỗi thầy cô giáo phải luôn là những tấm gương đạo đức để các em học sinh noi theo; đồng thời, mỗi gia đình cần tạo môi trường sống lành mạnh, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo hậu thuẫn cho việc dạy và học môn Giáo dục công dân trong nhà trường mang lại hiệu ứng tích cực để hình thành nhân cách cho các em.

 

Đó cũng chính là những việc làm cụ thể, góp phần thiết thực vào việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.