Trung tâm Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức thành công Ðối thoại Cải cách giáo dục đại học Việt Nam (ÐHVN). Ðến dự có các đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo và lãnh đạo các trường ÐH, trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, tại các ÐH ở nước ngoài, giảng viên rất ít khi là người học tập tại chính trường ÐH đó, trong khi tại ÐH ở Việt Nam lại "chuyên dùng" giáo viên tuyển dụng từ sinh viên từng học tập tại trường. Vì thế các sinh viên giỏi khi được giữ lại làm giảng viên sẽ mất đi cơ hội cọ xát. Từ đó dẫn đến quy trình dạy ở ÐHVN nặng về hành chính, chỉ đọc - chép trong khi ÐH nước ngoài nghiêng về nghiên cứu khoa học. Vì thế nếu giảng viên ÐHVN phấn đấu "kịch trần" cũng chỉ là nhà giáo được bổ nhiệm tại trường, còn muốn phấn đấu thêm thì phải qua hội đồng chức danh Nhà nước để phong hàm giáo sư, tức là vẫn nặng tính hành chính bao cấp. Trong khi đó, ÐH nước ngoài chuyên đi "săn" các nhà khoa học giỏi về làm giảng viên. Họ còn biết "tận dụng" các nhà khoa học về hưu bằng mức lương "mềm dẻo" để sinh viên được tiếp cận với thầy giỏi, có thực tế. Hầu như các phát minh, sáng chế ở các nước đều xuất phát từ các trường đại học. Còn tại ÐHVN, chưa có phát minh nào lớn xuất phát từ ÐH, ấy là do các trường chưa thật sự được tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính (dành cho phát minh, sáng chế...).
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân làm "nóng" không khí buổi đối thoại khi nhận định: "Dù đã có Luật Giáo dục ÐH, có giao quyền tự chủ cho các trường nhưng thực tế Nhà nước vẫn còn áp giá trần về học phí, vẫn duy trì những mô hình ÐH chung giống nhau, vẫn "rót" những phôi bằng cùng loại thì tự chủ thế nào được".
Tại buổi đối thoại, có 17 báo cáo và nhiều phiên thảo luận, thảo luận mở quan trọng. Các diễn giả đến từ ÐH Chicago, ÐH Indiana, Trường Chính trị Science Po Paris, ÐH Melbourne, ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ÐH Quốc tế RMIT, Chương trình Fulbright... đã thẳng thắn nêu mặt được và những mặt chưa được cần chấn chỉnh và đề xuất nhiều chính sách cho giáo dục ÐHVN.
Tiến sĩ Ðàm Quang Minh (ÐH Tổng hợp Greifswald, CHLB Ðức) nhìn nhận: "Nhiều trường ÐH tư thục như FPT, RMIT, Bình Dương, Lạc Hồng... có phương thức vận hành chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong khi các trường công lập được bảo đảm về cơ sở vật chất và hầu hết chi phí hoạt động, các trường tư thục vừa phải đầu tư dài hạn để phát triển, vừa phải đầu tư ngắn hạn để tồn tại". Phó Giáo sư Ðỗ Quốc Anh (Học viện Nghiên cứu Chính trị Paris) và Phó Giáo sư Trần Ngọc Anh (ÐH Havard) đề xuất: "Trước mắt muốn cải cách giáo dục ÐH thì lãnh đạo các ÐH phải có đủ thẩm quyền và sự tự chủ để cải cách và chấp hành cơ chế chịu trách nhiệm về hoạt động của ÐH. Bộ Giáo dục và Ðào tạo nên giao một tổ chức độc lập khảo sát đánh giá sinh viên và cựu sinh viên. Từ đó tổ chức này xếp hạng các trường về chất lượng giảng dạy và tỷ lệ xin được việc làm sau khi ra trường. Bộ sử dụng kết quả xếp hạng độc lập này để khen thưởng, thi đua và bổ nhiệm lãnh đạo các ÐH".