Chú trọng đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số

Phan Trang 10:41, 25/11/2024

Đào tạo nghề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế cho người dân. Thời gian qua, huyện Phú Bình đã quan tâm triển khai các chương trình, chính sách để hỗ trợ người dân sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số tham gia học nghề, từ đó tìm kiếm được việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập.

Sau khi tham gia lớp học nghề dưới 3 tháng, chị Triệu Thị Điệp, dân tộc Nùng, ở xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa (Phú Bình) đã biết cách chọn con giống, nhận biết dịch bệnh và phòng trị bệnh cho gà, quy trình nuôi gà an toàn sinh học.
Sau khi tham gia lớp học nghề dưới 3 tháng, chị Triệu Thị Điệp, dân tộc Nùng, ở xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa (Phú Bình) đã biết cách chọn con giống, nhận biết dịch bệnh và phòng trị bệnh cho gà, quy trình nuôi gà an toàn sinh học.

Cuối năm 2023, chị Triệu Thị Điệp, dân tộc Nùng, ở xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa, được tham gia lớp học nghề chăn nuôi gà gần 3 tháng do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình tổ chức. Với những kiến thức được trang bị, chị đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi gà đồi để nâng cao thu nhập.

Chị Điệp cho biết: Lứa gà đầu tiên của tôi có quy mô 1 nghìn con. Nhờ áp dụng những kỹ thuật học được vào thực tế, đàn gà của tôi sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 4 tháng chăm sóc, trung bình mỗi con gà đạt trọng lượng là 2,2kg. Với giá bán 73 nghìn đồng/kg, tôi thu lợi nhuận hơn 15 triệu đồng.

Nhờ chăn nuôi gà, tôi đã có thêm thu nhập để chăm lo cuộc sống gia đình. Mới đây, tôi đã tiếp tục tái đàn với quy mô 1 nghìn con/lứa. - chị Triệu Thị Điệp

Cũng như chị Điệp, anh Vi Văn Nguyên, dân tộc Nùng, xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, cũng được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng trong chăn nuôi sau khi tham gia lớp học nghề dưới 3 tháng của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Anh Nguyên chia sẻ: Cuối năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò giống. Trước đây, mỗi khi bò bị bệnh, tôi phải gọi cán bộ thú y đến khám chữa. Giờ đây, tôi đã có thể nhận biết và chữa trị một số bệnh thường gặp trên con bò. Sau 1 năm chăm sóc, bò phát triển khỏe mạnh, đạt gần 4 tạ và sắp đẻ con nghé đầu tiên.

Anh Vi Văn Nguyên, dân tộc Nùng, ở xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành (Phú Bình) có thể nhận biết và chữa trị một số bệnh thường gặp trên bò.
Anh Vi Văn Nguyên, dân tộc Nùng, ở xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành (Phú Bình) có thể nhận biết và chữa trị một số bệnh thường gặp trên bò.

Thời gian qua, thực hiện Tiểu dự án 3, thuộc dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhiều người dân sinh sống ở vùng đồng bào DTTS đã được trang bị kiến thức, kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức được 9 lớp học nghề dưới 3 tháng với sự tham gia của gần 320 học viên là người DTTS, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Các nghề được đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia cầm, gia súc theo quy trình VietGAP, an toàn sinh học. Kết thúc lớp học, 100% học viên đã được cấp chứng chỉ nghề. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người DTTS khi học nghề.

Ông Hoàng Nam Hiến, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình, cho biết: Hàng năm, dựa trên nhu cầu việc làm của người dân, Trung tâm đã mở các lớp đào tạo với nhiều ngành nghề về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nấu ăn. Riêng trong năm 2024, Trung tâm đã tổ chức được 5 lớp dạy nghề với trung bình khoảng 30 học viên/lớp.

Ngoài miễn học phí, chi phí nguyên, vật liệu thực hành, các học viên thuộc đối tượng chính sách, người DTTS còn được hỗ trợ tiền ăn trưa, chi phí đi lại (với trường hợp nhà ở cách xa trên 15km). - Ông Hoàng Nam Hiến

Ông Đặng Xuân Ngọc, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở huyện Phú Bình, thông tin: Hàng năm, nhà trường đều ra soát và triển khai kịp thời chính sách của Nhà nước đối với những học viên thuộc đối tượng chính sách, người DTTS theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Cụ thể, trong năm học 2024-2025, nhà trường có 11 học viên người DTTS, vùng khó khăn đang học hệ giáo dục thường xuyên bậc THPT được miễn giảm 70% tiền học phí/năm học; 139 học viên học nghề trình độ trung cấp được miễn 100% tiền học phí. - Ông Đặng Xuân Ngọc

Lớp dạy nghề nấu ăn của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở huyện Phú Bình.
Lớp dạy nghề nấu ăn của Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở huyện Phú Bình.

Bằng những giải pháp phù hợp, nhiều lao động là người DTTS hoặc là người Kinh sinh sống ở vùng DTTS đã được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 77,2% (tăng 0,26% so với năm 2022), trong đó số lao động có văn bằng, chứng chỉ là 32,5%.

Nhờ đó, người dân có thể tìm kiếm việc làm mới hoặc tự tạo việc làm tại chỗ để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Phú Bình giảm bình quân 2%/năm.  

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian tới, UBND huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ, chính sách của nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; quan tâm thực hiện công tác định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, đặc biệt là tại các xã vùng DTTS. Cùng với đó, UBND huyện cũng sẽ triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ đào tào nghề, giải quyết việc làm cho người dân sinh sống ở vùng DTTS.