Mặc dù khai trương chưa lâu, nhưng quán cà phê Layback (số 24, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) đã trở thành địa điểm yêu thích của giới trẻ Thái Nguyên. Điểm đặc biệt nhất của quán là sử dụng nguyên liệu chè Tân Cương để pha chế trà sữa thay cho các loại chè nhập ngoại.
Trà sữa Layback là thương hiệu đầu tiên pha chế trà sữa từ nguyên liệu hồng trà Tân Cương. |
Đưa chè Thái Nguyên đến với giới trẻ
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, anh Nguyễn Thiện Nam Hải (sinh năm 1990, trú tại phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên) rẽ ngang sang kinh doanh giải khát.
Từ quán cà phê đầu tiên tại Ba Hàng, sau hơn 10 năm kinh doanh, anh đã phát triển thành chuỗi 4 cửa hàng giải khát tại TP. Phổ Yên. Khai trương cơ sở mới tại đường Bắc Sơn vào đúng dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, anh Hải cũng chính thức bắt đầu xây dựng hệ thống Layback trong và ngoài tỉnh.
Tọa lạc tại địa điểm rất đẹp trên tuyến đường trung tâm của TP. Thái Nguyên, quán không chỉ có không gian đẹp mà còn được đầu tư tỉ mỉ từng góc nhỏ theo phong cách hiện đại. Anh Hải cho biết, trong nhiều loại đồ uống của quán, trà sữa luôn chiếm phần lớn doanh thu với rất nhiều vị.
Với những quán trước, chè dùng làm nguyên liệu trà sữa đều được nhập khẩu, khá tiện dụng và quen thuộc với thị hiếu của số đông khách hàng trẻ tuổi. Tuy nhiên, việc kinh doanh ngày càng khởi sắc, anh Hải cùng vợ là chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1998) càng khát khao xây dựng thương hiệu trà sữa cho riêng mình từ búp chè đặc sản của quê hương. Đôi vợ chồng trẻ đã tìm đến hầu hết các vùng chè nổi tiếng ở khắp các huyện, thành của tỉnh để thử trà và tìm cơ hội hợp tác.
Chị Vân kể: Sau nhiều chuyến khảo sát ở các vùng chè, chúng tôi cũng đã tìm được vùng nguyên liệu rất thích hợp và sản xuất được những sản phẩm hồng trà chất lượng rất tốt. Chính vì vậy mà vợ chồng tôi tự tin thành lập thương hiệu Layback, là thương hiệu trà sữa đầu tiên dùng chính hồng trà sản xuất từ chè Thái Nguyên. Hiện nay, mỗi tháng chúng tôi sử dụng khoảng 50kg hồng trà (1kg pha chế được từ 120-140 cốc trà sữa), ngoài trà sữa đã có nhiều khách hàng mua hồng trà vì dễ uống và tốt cho sức khoẻ.
Nhiều khách hàng nhận xét trà sữa Layback vẫn giữ nguyên vị ngọt mát của trà sữa truyền thống nhưng hương trà rất thơm và có vị ngọt sâu. Họ càng thêm tin tưởng vào nguồn gốc sản phẩm và đặc biệt yêu thích loại trà sữa đầu tiên được pha chế từ nguyên liệu chè Thái Nguyên này.
Sản phẩm hồng trà của xưởng trà Lễ Mỵ, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. |
Tìm hương vị mới từ vườn chè trung du cổ
Khát vọng đưa hương vị chè Thái Nguyên bay xa đã kết nối hai “nhà”: Anh Trịnh Duy Lễ (người sản xuất tại Xưởng trà Lễ Mỵ, xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) và vợ chồng anh Hải (người kinh doanh).
Họ đã gặp được nhau và đang cùng thực hiện đam mê đưa chè Thái Nguyên thành một loại đồ uống phổ biến, đáp ứng được thị hiếu khách hàng nhiều lứa tuổi, nhất là lớp người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, nhân viên công sở…, thị trường vô cùng rộng lớn và bền vững.
Anh Lễ cho biết, sản phẩm chè Tân Cương truyền thống là chè búp sao khô thuộc dòng chè xanh, phương pháp này sao diệt men để giữ lại diệp lục, nước trà khi pha có vị chát, màu xanh đặc trưng như chúng ta vẫn thấy lâu nay, chủ yếu hợp khẩu vị của người lớn tuổi. Còn giới trẻ hầu hết không thích vị chát của chè truyền thống, họ chỉ uống những loại trà có vị ngọt, không gây mất ngủ, thuộc dòng chè đen. Quy trình sản xuất chè đen hoàn toàn ngược lại với chè xanh, búp chè không được diệt men mà ủ để lên men, sản phẩm sẽ giảm vị chát, có vị thơm ngọt đặc trưng, nước trà khi pha có màu hồng rất đẹp. Trong sản xuất chè đen, bước làm héo, vò và lên men chính là yếu tố tạo nên hương vị và màu sắc đặc biệt cho dòng chè này.
Anh Lễ (sinh năm 1986), sinh ra và lớn lên tại vùng chè Tân Cương, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, anh vừa công tác tại UBND TP. Thái Nguyên vừa tiếp nối nghề chè. Anh đã tìm đến các gia đình còn vườn chè cổ nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, vận động họ hợp tác hoặc cho thuê lại để tiếp tục sản xuất.
Từ năm 2021 đến nay, cơ sở Lễ Mỵ liên kết với 5 hộ dân, tổng diện tích 9.000m2 chè trung du cổ, trong đó có hơn 3.000m2 được trồng và chăm sóc theo quy trình hữu cơ.
Anh Lễ tâm sự, để phục hồi được diện tích chè trên là cả một hành trình dài gian nan, bởi hầu hết những vườn chè đã lâu năm, ít được chăm sóc, đất xấu, nghèo dinh dưỡng nên cây chè rất già cỗi, khả năng sinh trưởng kém.
Thay vì bón gốc, vợ chồng anh đã phải tìm cách sản xuất chế phẩm bón lá từ các thực phẩm như chuối chín, đậu tương, trứng gà, mật ong…
Anh xác định dù hương vị chè trung du truyền thống đã làm nên thương hiệu chè Tân Cương và chè Thái Nguyên song cũng cần phải hướng đến những sản phẩm được đông đảo mọi người yêu thích, dễ uống, dễ sử dụng.
Để không lãng phí nguồn chè nguyên liệu quý, anh đã tốn nhiều công sức tìm đến các cơ sở uy tín trong và ngoài tỉnh để học hỏi cách chế biến đa dạng sản phẩm. Mặt khác, chè chính vụ thường chất lượng lại không cao như vụ xuân và vụ thu đông, giá bán giảm 50%, nếu sản xuất chè đen thì chất lượng vẫn tốt và giá không bị giảm. Cụ thể như chè búp đặc sản của gia đình anh bán với giá từ 7 trăm nghìn -1 triệu đồng/kg, giá hồng trà cũng tương đương, như vậy sản xuất đồng thời cả chè xanh và chè đen đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, gia đình anh không chỉ sản xuất chè búp khô truyền thống mà còn có các sản phẩm hồng trà, hoàng trà (thuộc dòng chè đen) được nhiều người kinh doanh giải khát trong và ngoài tỉnh tìm hiểu để hợp tác lâu dài.
Trái ngược với suy nghĩ dùng chè địa phương làm nguyên liệu sẽ giảm bớt chi phí và giá thành, chị Nguyễn Thị Vân cho biết hiện đang kinh doanh mặt hàng này “phi lợi nhuận” vì giá nguyên liệu chè Tân Cương đắt gấp đôi chè nhập.
Tuy nhiên, với mục tiêu đưa được chè Thái vào thị trường trà sữa để phục vụ giới trẻ nên vợ chồng chị vẫn chấp nhận, coi như đây là khoản chi phí quảng bá, tiếp thị.
Chị Vân cho biết thêm, trà sữa Layback tự hào với thông điệp “Trà đậm vị từ vùng trà đặc sản Thái Nguyên” không đơn thuần chỉ là nguồn nguyên liệu mà còn muốn truyền tải và giới thiệu về chè Thái Nguyên đến với mọi người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin