Nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung của kỳ họp

18:39, 08/12/2011

Nội dung quan trọng nhất của kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII là quyết định những vấn đề lớn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2012 và giai đoạn tiếp theo. Trong ngày làm việc hôm nay (8-12), các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sát tình hình thực tế vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết để các nghị quyết của HĐND tỉnh sau khi ban hành có tính khả thi cao, đúng pháp luận, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. PV Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến theo nhóm vấn đề xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Về các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2012

 

Theo Đại biểu Nguyễn Như Tuấn (Phổ Yên): Năm 2011 do tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2011 mặc dù 4 chỉ tiêu mà tỉnh đề ra không đạt kế hoạch, song nhìn chung kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn phát triển bền vững, đặc biệt là thu ngân sách đạt cao. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu lớn đề ra trong năm 2012 cần phải có các giải pháp trung tâm đột phá vào lĩnh vực giao thông; tập trung xây dựng thị xã công nghiệp Phổ Yên, thị xã Hồ Núi Cốc; quan tâm đặc biệt đến các công trình trọng điểm.

 

Đại biểu Đặng Viết Thuần (Đại Từ) cho rằng: Bối cảnh kinh tế thế giới khó lường trước nên có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế trong nước và tỉnh ta. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012 phải có quyết tâm chính trị cao, cũng như đề ra những giải pháp cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả. Trong lĩnh vực công nghiệp thì những khu vực cần đặc biệt quan tâm là sản xuất sắt thép, xi măng, cơ khí chế tạo, vận tải, xây dựng cơ bản (xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và cải tạo quốc lộ 3 cũ). Lĩnh vực nông nghiệp cần khai thác hết tiềm năng đất đai, chăn nuôi, thủy sản gắn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Về vấn đề biên chế

 

Đại biểu Nguyễn Đức Mậu (Đại Từ) khẳng định: Tôi hoàn toàn nhất trí với Tờ trình giao biên chế công chức hành chính và biên chế sự nghiệp năm 2012 của tỉnh. Song trong năm 2011 các xã ở huyện Đại Từ thiếu nhiều biên chế. Nguyên nhân là do Sở Nội vụ chậm chễ trong việc hướng dẫn xét tuyển hay thi tuyển công chức cấp xã. Mặt khác, Đại Từ là đơn vị xếp loại 1 cùng với T.P Thái Nguyên nhưng hiện nay biên chế các phòng, ban chức năng của huyện cũng chỉ bằng những địa phương khác như T.X Sông Công, Phú Lương, trong khi đó khối lượng công việc của cán bộ các phòng ban rất lớn vì huyện có tới 31 xã, thị trấn. Đề nghị UBND tỉnh sớm kiến nghị lên các bộ, ngành TW trong việc giao chỉ tiêu biên chế đối các phòng, ban của những huyện, thị loại 1, cũng như đề nghị Sở Nội vụ nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi tuyển công chức cho cấp xã.

 

Đóng góp vào đề án bảo vệ môi trường

 

Đại biểu Lưu Văn Toán (Đại Từ) cho rằng: Mục tiêu cụ thể của Đề án Bảo vệ môi trường mới chỉ quan tâm đến ô nhiễm môi trường ở lĩnh vực công nghiệp. Môi trường khu vực nông thôn mới đề cập đến các trang trại chăn nuôi, khu giết mổ. Trong khi đó ở khu vực này thì vấn đề ô nhiễm khá nặng nề hiện nay là các khu nghĩa trang nhân dân. Cứ đà này thì đến năm 2015 sẽ không còn các khu đất rộng để có thể quy hoạch các nghĩa trang nhân dân. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần có giải pháp cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm, cũng như nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với lĩnh vực này.

 

Đại biểu Bùi Xuân Hòa (T.P Thái Nguyên) cho rằng đây là đề án quan trọng và cấp thiết và nếu không sớm hoàn thành Đề án thì vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo, khi đó, tỉnh phải tốn nhiều kinh phí để thu dọn, xử lý môi trường. Đại biểu đề xuất, Đề án cần bổ sung 2 nội dung đó là xây dựng cơ chế để thực hiện các giải pháp thực hiện Đề án và bổ sung thêm chế tài để xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm… Cũng nội dung trên, ông Bùi Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần thống nhất về cơ chế chính sách thực hiện Đề án, cần có chế tài xử lý mạnh hơn nữa những cá nhân, tổ chức tác động xấu tới môi trường.

 

Vấn đề giải quyết chế độ chính sách

 

Đại biểu Nguyễn Công Thịnh (Phổ Yên) thông tin: Cử tri rất quan tâm đến các chính sách cho nạn nhân chất độc da cam. Qua các đơn thư phản ánh trên địa bàn huyện Phổ Yên, chúng tôi phối hợp cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra trên 150 trường hợp đang hưởng chế độ dam cam thì có khoảng 50% hồ sơ chưa chứng minh rõ ràng vùng hoạt động kháng chiến. Trong khi đó hiện có tới 80 trường hợp đã được thẩm định hồ sơ, giám định y khoa, niêm yết công khai tại địa phương nhưng từ năm 2009 đến nay chưa được giải quyết chế độ. Tôi đề nghị với những trường hợp hồ sơ hợp lệ, giám định y khoa, niêm yết công khai tại địa phương mà không có ý kiến gì phản hồi thì nhanh chóng giải quyết chế độ cho họ. Đồng thời đề nghị tỉnh kiến nghị TW giải quyết những bất cập trong quy định về 16 danh mục bệnh tật áp dụng đối với người bị phơi nhiễm là quá khắt khe.

 

Đại biểu Nguyễn Khắc Lâm (Sông Công) và đại biểu Lê Thị Thuý Nguyên (Phú Lương) đề nghị: Đối với công tác thi đua khen thưởng, nếu chi theo đúng chế độ thi đua khen thưởng Nhà nước đang ban hành thì các huyện sẽ khó thực hiện vì sẽ phải chi một lượng kinh phí rất lớn; nếu không thực hiện thì lại không thực hiện đúng chính sách Nhà nước. Vì vậy, tỉnh cũng cần có biện pháp giải quyết nguồn kinh phí để chi cho hoạt động này theo đúng quy định của Nhà nước. Ngoài ra, hầu hết các ý kiến đều đề nghị: Để đảm bảo cho hoạt động của HĐND tỉnh, huyện, đề nghị cần nâng mức chi cho các đơn vị tổ chức tiếp xúc cử tri và các tổ đại biểu HĐND ở cấp tỉnh, huyện để đảm bảo cho các hoạt động của HĐND. Đại biểu Hà Thi Hường (Phú Lương) đề nghị: cần nâng mức phụ cấp cho cán bộ chuyên trách làm công tác tệ nạn xã hội ở những xã trọng điểm về tệ nạn ma tuý. Vì mức phụ cấp 120 nghìn đồng/tháng không còn phù hợp với thời điểm hiện nay.

 

Về vấn đề phân bổ vốn đầu tư năm 2012

 

 Đại biểu Nguyễn Thị Hằng (Phú Bình) đề nghị: những dự án có vốn của ngân sách Trung ương cần phải được ghi vốn chuẩn bị đầu tư và vốn cho công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Thực tế, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có 2 công trình xây dựng Trường dạy nghề đã được Trung ương ghi vốn, nhưng  tỉnh bố trí vốn giải phóng mặt bằng quá ít (năm 2011 được hỗ trợ 10 tỷ đồng; năm 2012 dự kiến cũng chỉ được hỗ trợ 10 tỷ đồng); do không GPMB được nên Ngành không thể tiếp nhận được vốn từ Trung ương. Chỉ tính riêng Trường Dân tộc nội trú của tỉnh (thuộc Chương trình đầu tư trọng điểm theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn) được Bộ Lao động TBXH ghi vốn 7 tỷ đồng, nếu không giải phóng mặt bằng thì không có điều kiện tiếp nhận vốn trong giai đoạn tiếp theo).

 

Về khung giá đất năm 2012

 

Đại biểu Cù Xuân Thu (Phổ Yên) cho rằng: tỉnh cần định giá đất ổn định từ 2-3 năm. Nếu cứ định giá theo từng năm như hiện nay rất khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Thực tế những dự án lớn thường kéo dài từ 2-3 năm. Nếu cứ thay đổi giá đất theo từng năm rất khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, thậm chí một số hộ dân chây ỳ chờ xem năm sau có điều chỉnh giá đất tăng hay không mới nhận tiền đền bù….

 

Ông Bùi Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc ổn định giá là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh thị trường đất diễn biến không ổn định. Ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, HĐND tỉnh cũng cần xem xét hạ giá đất tại một số khu vực để theo sát diễn biến thị trường.

 

Về vấn đề giải quyết vướng mắc đất đai giữa các nông, lâm trường

 

Đại biểu Nguyễn Khắc Lâm (T.X Sông Công)  ở các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Sông Công chậm được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, và Nguyễn Thế Đề (Phú Lương) nêu: Đây là vấn đề đã nhiều Kỳ họp các đại biểu có ý kiến, song đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm, dẫn đến tranh chấp đất đai giữa người dân và các nông, lâm trường; không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình; cản trở việc xây dựng cơ sở hạ tầng  cũng như xây dựng nhà cửa, công trình của các hộ gia đình. Đề nghị tỉnh nên làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có hướng giải quyết dứt điểm. Qua kiểm tra việc sử dụng đất đai của các doanh nghiệp (DN), còn nhiều DN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhiều năm nhưng triển khai dự án cầm chứng hoặc không triển khai gây khó khăn cho các huyện trong công tác quản lý, đề nghị tỉnh cần có biện pháp giải quyết dứt điểm đối với các DN triển khai dự án chậm; DN gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Đồng thời, phải tăng cường thông tin giữa đơn vị cấp GCNĐT với cấp huyện để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các DN trên từng địa bàn. 

 

Đóng góp vào Đề án đào tạo nghề trên địa bàn

 

Đại biểu Phan Thị Thu Hằng (T.P Thái Nguyên) cho rằng người nông dân không mặn mà với đào tạo nghề do hiệu quả không cao, không phù hợp với nhu cầu ở địa phương. Nhiều người dân đi học nghề để lấy kinh phí hỗ trợ mà không chuyên tâm học nghề. Đại biểu đề xuất, giải pháp quan trọng và cần quan tâm hơn là nâng cao chất lượng giảng viên, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động để tìm đầu ra đồng thời nên bổ sung thêm việc giám sát chất lượng các cơ sở đào tạo trong công tác giám sát của HĐND tỉnh. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Dương Xuân Hùng (T.P Thái Nguyên) đề nghị cần phải đánh giá lại hiệu quả Đề án Đào tạo nghề để trên cơ sở đó rà soát lại nhu cầu của người lao động.

 

Đại biểu Nguyễn Công Thịnh (Phổ Yên) cho rằng Đề án này có đặc thù đào tạo theo nhu cầu, trên cơ sở khả năng giải quyết việc làm nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì thế cần phải làm tốt công tác tuyên truyền không về chính sách, cũng như tư vấn nghề cho các đối tượng. Ngoài các trung tâm dạy nghề phải huy động được sự tham gia của các trạm khuyến nông, hợp tác xã, doanh nghiệp trong đào tạo nghề.

 

Về vấn đề khai thác khoáng sản

 

Đại biểu Dương Văn Lành (Đồng Hỷ) có ý kiến: Tại Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25-8-2011 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đã quy định mức thu phí đối với từng loại khoáng sản như: quặng sắt là 50.000 đồng/tấn, quặng ti tan 60.000 đồng/tấn, quặng chì 200.000 đồng/tấn, đất làm thạch cao 2.000 đồng/m3, đất làm cao lanh 5.000 đồng/m3... Tuy nhiên, vẫn còn một số khoáng sản chưa đưa vào danh mục như: Một số loại quặng, đất sử dụng trong sản xuất xi măng… Tỉnh cần thực hiện rà soát lại, xây dựng danh mục cụ thể hơn ở từng địa phương đối với các loại khoáng sản để thu phí đúng với giá trị của từng loại khoáng sản. Cũng về vấn khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Văn Tiệu có ý kiến thêm: Sau khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các ngành, cấp cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện khai thác để phát hiện những vi phạm, từ đó nhắc nhở các đơn vị khai thác thực hiện đúng theo cam kết, trường hợp tái phạm cần có biện pháp xử lý, thậm chí rút giấy phép để siết chặt quản lý ngành khai thác khoáng sản trên địa bàn.

 

Về một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch

 

Ông Hoàng Gia Hinh, Cục trưởng Cục thống kê tỉnh có ý kiến: Năm 2011, Thái Nguyên có 2 lĩnh vực không hoàn thành là công nghiệp và nông nghiệp. Về lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là hoạt động trong ngành sắt thép, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên năng lực về vốn còn hạn chế, dựa vào các khoản đi vay. Khi Nhà nước thắt chặt nguồn vốn vay thì các doanh nghiệp đều rơi vào khó khăn, dẫn đến sản xuất cũng hạn chế. Chính vì vậy, chỉ tiêu phát triển công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, ước năm 2011 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 4,34% so với năm 2010, trong khi mục tiêu đề ra là tăng 6%. Điều này cho thấy việc xây dựng kế hoạch quá cao, khó đạt được. Tỉnh cần xây dựng kế hoạch sao cho sát với tình hình thực tế hơn. Trong lĩnh vực chăn nuôi do đầu năm dịch bệnh LMLM xảy ra trên đàn gia súc, các hộ chăn nuôi gặp khó khăn. Đến nay, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi vẫn chưa khôi phục được đàn gia súc. Đề nghị các ngành chuyên môn có cơ chế chính sách hỗ trợ chăn nuôi phù hợp và giải quyết được tối đa thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển.

 

 Về Tờ trình đặt tên 2 tuyến đường Tố Hữu và Hoàng Ngân

 

Đại biểu Bùi Đức Cường (Đồng Hỷ) có ý kiến: Về ý nghĩa của 2 tên đường này đều lấy tên của những nhân vật có công lao to lớn đối với đất nước và tỉnh Thái Nguyên. Nhà thơ Tố Hữu là người nổi tiếng ai cũng biết đến bởi những tác phẩm của ông đã đi vào lịch sử và có trong chương trình học phổ thông , ông có thời gian dài sống và làm việc ở Thái Nguyên. Liệt sĩ Hoàng Ngân là Bí thư đầu tiên của Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc quân Việt Nam. Bà hy sinh tại chiến khu Việt Bắc khi mới 28 tuổi và được chôn cất tại huyện Đại Từ. Tuy nhiên, do nhiều người dân chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đặt tên 2 con đường này nên vẫn còn một số ý kiến trái chiều. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về ý nghĩa của việc đặt tên 2 con đường này gắn với 2 nhân vật lịch sử để nhân dân hiểu rõ, từ đó đồng tình, hưởng ứng.