Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp đã được toàn ngành Kiểm sát hai cấp của tỉnh tích cực thực hiện. Đây là một trong những giải pháp quan trọng được ngành Kiểm sát tỉnh chọn là khâu đột phá trong năm 2015 để thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn.
Do vậy, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm ở cả hai cấp đối với nhiều lĩnh vực, như: Hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại.
Để thực hiện hiệu quả công tác này, ngay từ đầu năm, cấp uỷ, Ban lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện phiên toà rút kinh nghiệp (Ban Chỉ đạo) gồm 08 đồng chí để chỉ đạo các phòng chuyên môn và 9/9 Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện triển khai nội dung này. Trong đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh là Trưởng Ban Chỉ đạo, các đồng chí trưởng các phòng nghiệp vụ là thành viên và 02 đồng chí thư ký. Sự ra đời của Ban Chỉ đạo đã khắc phục được thực trạng còn tồn tại trước đây là việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm có triển khai nhưng đơn lẻ, chưa tạo sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo và cán bộ, kiểm sát viên các cấp về nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, dân sự…Về công tác tổ chức, trước đây, chỉ có một vài đơn vị trong hệ thống cơ quan Kiểm sát hai cấp của tỉnh ký kết quy chế phối hợp với Tòa án cùng cấp trong việc xét xử phiên tòa rút kinh nghiệm nên đa số các phiên tòa việc tổ chức còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan kiểm sát với toà án từ chuẩn bị hội trường, chỗ ngồi cho những người tham dự phiên tòa. Cá biệt, một số đồng chí tham dự phiên tòa chưa chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định của phiên tòa (không tham dự đầy đủ, dự họp không đúng giờ), nhiều phiên tòa còn để xảy ra hoãn do lý do chủ quan…
Mặc dù Ban Chỉ đạo tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh mới đi vào hoạt động được hơn 10 tháng nhưng đã từng bước đưa ra nhiều giải pháp để hướng dẫn, tổ chức trên 90 phiên toà rút kinh nghiệm (30 phiên toà hình sự, 20 phiên toà dân, còn lại là các phiên toà về hành chính, kinh doanh, thương mại). Điển hình trong công tác này là: Viện Kiểm sát Nhân dân T.P Thái Nguyên; Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đồng Hỷ; Phòng Thực hiện quyền công tố và KSĐT, KSXX án an ninh - ma tuý; Phòng Thực hiện quyền công tố, KSXX phúc thẩm án hình sự. So với tổng phiên toà mà kiểm sát viên của viện kiểm sát hai cấp trong tỉnh tham dự thì số phiên toà rút kinh nghiệm thực hiện trong 10 tháng qua chưa phải là lớn nhưng đã khắc phục được những hạn chế nêu trên. Đồng thời, có được nhiều kết quả tích cực, như: Xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa và báo cáo kết quả sau khi họp rút kinh nghiệm khá nghiêm túc. Khi chọn phiên tòa tổ chức rút kinh nghiệm, lãnh đạo đơn vị, kiểm sát viên đều chú ý từ giai đoạn điều tra, xác định vụ án trọng điểm để xây dựng đề cương xét hỏi chặt chẽ; có dự kiến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình xét xử. Khâu tổ chức và chuẩn bị phiên toà rút kinh nghiệm cũng được thực hiện chu đáo hơn.
Đặc biệt, việc họp rút kinh nghiệm của các thành viên sau phiên tòa không còn tâm lý e dè, nể nang, chưa mạnh dạn nhận xét, đánh giá đối với đồng nghiệp của mình mà thẳng thắn góp ý để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Từ đó, các kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố có ý thức tự rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành quyền công tố tại phiên tòa…Đối với những cán bộ tham dự phiên tòa cũng có thái độ nghiêm túc và chú ý quan sát theo dõi toàn bộ nội dung diễn biến phiên tòa để có thể đưa ra những nhận xét, góp ý chính xác, có tính xây dựng và tự hoàn thiện mình. Do vậy, các phiên toà rút kinh nghiệm được cơ quan kiểm sát hai cấp trong tỉnh tổ chức thời gian qua đã có những tác động tích cực đến quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa đáp ứng những yêu cầu cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo tại các phiên tòa đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của kiểm sát viên tại phiên tòa; đưa hình ảnh người cán bộ kiểm sát đến gần hơn với người dân.
Các đơn vị trong ngành Kiểm sát tỉnh thường lồng ghép phiên tòa rút kinh nghiệm với các phiên tòa xét xử lưu động, xét xử án trọng điểm nên thường thu hút sự quan tâm của quần chúng nhân dân. Tại các phiên toà đó, Ban Chỉ đạo tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm thường có từ 3-5 đồng chí và 1 đồng chí thư ký được Hội đồng xét xử bố trí ngồi cùng hàng ghế với nhân dân, những người tham dự phiên tòa. Chính việc có nhiều cán bộ kiểm sát tham dự phiên toà nên hình ảnh những người cán bộ kiểm sát, tập trung theo dõi chú ý lắng nghe và ghi chép diễn biến phiên tòa đã tạo những dư luận tích cực, tuyên truyền phổ biến sâu rộng về hình ảnh người cán bộ kiểm sát “bảo vệ pháp luật” trong đông đảo đồng bào tham dự phiên tòa. Đồng chí Ngô Thanh Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phiên toà rút kinh nghiệm cho biết: Đây là giải pháp hữu hiệu trong công tác cải cách tư pháp của Ngành vì ngoài thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ chuyên môn còn là cách giáo dục, đào tạo nghiệp vụ, trình độ cho cán bộ nhanh, hiệu quả nhất. Do vậy, trong thời gian tới Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh vẫn tiếp tục duy trì các phiên tòa rút kinh nghiệm đối với tất cả cơ quan kiểm sát hai cấp trong tỉnh.