Kịp thời triển khai các phương án tối ưu để ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện nghiêm việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn… là những giải pháp đang được các địa phương trong tỉnh triển khai quyết liệt nhằm ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 6/3/2019, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên ở xã Úc Kỳ (Phú Bình). Ngay sau khi dịch xảy ra, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND ngày 7/3/2019 về triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; Thường trực Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 2254-TB/TU về triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh cùng một số văn bản liên quan nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh.
Các địa phương trong tỉnh cũng tích cực tuyên truyền tới người dân, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch lây lan. Tuy nhiên, do tính chất lây lan dịch bệnh với nhiều phương thức khó kiểm soát, bệnh không có vắc-xin phòng và thuốc đặc trị nên tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang có diễn biến phức tạp. Từ một ổ dịch tại huyện Phú Bình, đến nay, sau 2 tháng đã lây lan ra 25 xã, thuộc 8 huyện, thành, thị trong tỉnh.
Tại T.P Sông Công, địa phương vừa mới công bố hết dịch tả lợn châu Phi vào ngày 22-4, đến ngày 27-4 tại tổ dân phố Sau, phường Lương Sơn lại tiếp tục xuất hiện ổ dịch mới. Ông Dương Văn Bảo, chủ hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh chia sẻ: Khi biết trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi đã rất cẩn thận thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, như: Vệ sinh chuồng trại 2 lần/tuần; rắc vôi bột xung quanh chuồng; đối với các xe chở cám trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi đều được phun thuốc khử trùng… Tuy nhiên, đàn lợn của gia đình tôi vẫn bị nhiễm bệnh.
Còn tại huyện Đồng Hỷ, mặc dù ngày 3-5 mới bắt đầu xuất hiện ổ dịch ở 2 xã: Hóa Trung và Hóa Thượng nhưng đến ngày 7-5, dịch bệnh đã lây lan rất nhanh và đã có thêm 5 xã, thị trấn xuất hiện dịch bệnh, gồm: Văn Hán, Quang Sơn, Minh Lập, Tân Lợi và thị trấn Trại Cau. Bà Nguyễn Thị Phương, xóm Trung Thần, xã Hóa Trung cho biết: Gia đình tôi nuôi lợn 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy dịch bệnh này, khi một con bị bệnh là dễ dàng lây cho cả đàn mà không thể cứu được.
Tính đến ngày 8-5, toàn tỉnh chỉ có Phú Lương là huyện duy nhất chưa công bố thông tin về lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Thời gian qua, tại một số xã, thị trấn cũng xuất hiện lợn chết có nhiều dấu hiệu của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Gần đây nhất, chúng tôi cũng đã lấy mẫu ở các xã Tức Tranh, Vô Tranh và Cổ Lũng để gửi đi xét nghiệm nhưng hiện chưa có kết quả. Hiện nay, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được chủ quan mà phải thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, sẵn sàng các phương án ứng phó khi có dịch xảy ra.
Theo các nhà chuyên môn, sở dĩ dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm và lây lan nhanh như vậy là do vi rút độc lực cao gây nên, rất nguy hiểm, bệnh cấp tính gây chết nhanh, tỷ lệ chết cao; bệnh lây lan bằng nhiều con đường, phức tạp, rất khó xác định và kiểm soát. Ngoài ra, bệnh không có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị. Cách phòng chống bệnh chủ yếu bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tiêu hủy lợn mắc bệnh để tiêu diệt mầm bệnh và thực hiện các biện pháp ngăn chặn phát tán lây lan mầm bệnh.
Thực tế tại tỉnh ta hiện nay, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán không đảm bảo vệ sinh thú y phòng bệnh cũng gây khó khăn trong quản lý dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng chống dịch (các ổ dịch chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và gia trại); khó khăn trong kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và buôn bán lợn giống, lợn thịt nhằm ngăn ngừa lây lan mầm bệnh. Mặt khác, việc triển khai giám sát dịch, lấy mẫu bệnh phẩm theo hướng dẫn thực hiện chưa nghiêm, khai báo dịch chậm, vẫn còn tình trạng người dân giấu dịch, tự ý chữa trị không khỏi mới khai báo hay giết lợn ốm làm thịt, vứt xác động vật chết ra môi trường…
Trước tình hình dịch bệnh có khả năng lây lan nhanh, mới đây, ngày 7-5, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nhằm đưa ra các giải pháp để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cần khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên và tập trung chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch ở cấp độ cao. Cụ thể như: Duy trì và tăng cường công tác giám sát dịch, chẩn đoán xét nghiệm phát hiện bệnh cấp độ cao; phát hiện tiêu hủy triệt để lợn mắc bệnh; vệ sinh tiêu độc khử trùng cấp độ cao trong ổ dịch, vùng dịch uy hiếp, vùng đệm và vùng chưa có dịch; nâng cao hiệu quả các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, làm tốt công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, buôn bán thịt lợn trong vùng dịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng cấp độ cao đối với vùng có dịch, các xã có dịch, vùng nguy cơ cao; các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung phải có đủ vôi bột để khử trùng. Cùng với đó, chấn chỉnh, điều chỉnh công tác giám sát khai báo dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm chẩn đoán bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tiến hành rà soát để tham mưu điều chỉnh, bổ sung địa điểm thành lập các chốt kiểm dịch cấp tỉnh, huyện, xã phù hợp với diễn biến thực tế trong công tác chống dịch để nâng cao hiệu quả của chốt. Trong đó, đặc biệt chú trọng các chốt là đầu mối giao thông với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh giáp ranh như: Bắc Giang, Lạng Sơn... để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào tỉnh.