Xung quanh việc triển khai Đề án sông Cầu

19:18, 12/07/2019

Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (viết tắt là Đề án) gồm 9 dự án thành phần đang được triển khai trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Đây là Đề án lớn, rất cần thiết bởi sẽ đảm bảo an toàn cho khu vực T.P Thái Nguyên và vùng lân cận trước các nguy cơ do bão, lũ, đồng thời tạo động lực và điểm nhấn quan trọng góp phần thay đổi diện mạo, hiện đại hóa đô thị khu vực có nhiều tiềm năng này. Vì vậy, chủ trương triển khai Đề án nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, ngành và người dân trong khu vực.

Sông Cầu đoạn chảy qua T.P Thái Nguyên có chiều dài hơn 20km, hệ thống đê bờ hữu sông (phía trung tâm Thành phố) được xây dựng từ nhiều năm đến nay đang bộc lộ một số hạn chế về phòng chống lũ, lụt. Về hiện trạng đô thị, cơ bản T.P Thái Nguyên vẫn đang phát triển lệch về một bên sông, “quay lưng” ra sông Cầu. Bên kia sông, khu vực rộng lớn bao gồm một số xã, phường của T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ và Phú Bình phần lớn vẫn là vùng nông nghiệp thuần túy, chậm phát triển, chưa có đê ngăn lũ nên vẫn phải hứng chịu nhiều rủi ro thiên tai, trong khi đây là vùng có tiềm năng lớn về đất đai và du lịch.

Theo ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng: Ý tưởng, định hướng phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu, lấy sông Cầu làm trục không gian đô thị T.P Thái Nguyên đã có từ nhiều năm và được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Định hướng này cũng được thể hiện trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc xây dựng và triển khai Đề án sẽ đáp ứng đòi hỏi cấp thiết về hiện đại hóa hệ thống đê kè chống lũ, lụt, đảm bảo an toàn cho khu vực, đồng thời tạo động lực để phát triển hạ tầng đô thị, phát huy tốt các tiềm năng.

Quá trình chuẩn bị triển khai Đề án, các giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật, kinh tế đều được tỉnh tham vấn, xin ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, hội nghề nghiệp nhằm lựa chọn ý tưởng và giải pháp tối ưu. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở pháp lý và cơ sở quy hoạch. Việc lập hồ sơ đề xuất, phê duyệt đề xuất, lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đều được thực hiện chặt chẽ về trình tự thủ tục, đúng quy định hiện hành. Khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, UBND tỉnh đã tổ chức sơ tuyển quốc tế, lựa chọn nhà đầu tư 9 dự án thuộc Đề án (9 gói thầu) theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, ông Hoàng Thái Cương cho biết: Thời điểm đầu, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, có tổng mức đầu tư trên 9.800 tỷ đồng (dự án nhóm A, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ). Sau nhiều lần tham vấn, xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, đồng thời cân nhắc kỹ trên cơ sở các nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh xác định việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (Dự án), sử dụng nguồn ngân sách Trung ương thời gian này là không khả thi.

Nhằm giảm áp lực đối với ngân sách Trung ương, chủ động sử dụng nguồn vốn của địa phương và huy động tối đa các nguồn lực khác, trong đó có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án sông Cầu thành Đề án gồm 9 dự án nhóm B (thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công). Điều này đúng với các quy định hiện hành, đồng thời đảm bảo tính khả thi và nâng cao hiệu quả đầu tư do huy động được đa dạng các nguồn lực xã hội.

Sau khi được trao giấy chứng nhận đầu tư và đảm bảo một số thủ tục cần thiết khác, ngày 25/12/1016, nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 bắt đầu thi công thí điểm một đoạn của dự án thuộc Đề án. Việc thi công thí điểm là do nhà đầu tư đề xuất, cam kết chịu hoàn toàn chi phí nếu chất lượng thi công không đạt yêu cầu, không được nghiệm thu theo quy định, đã được tỉnh chấp thuận. Hoạt động thi công được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ về kỹ thuật, chất lượng, khối lượng trên cơ sở hồ sơ thiết kế đã phê duyệt. Đến nay, việc thi công thí điểm đã hoàn thiện một số hạng mục. Một số hạng mục khác tạm dừng do phải chờ dự án điều chỉnh được phê duyệt. Theo thông tin từ các cấp, ngành liên quan, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án cần điều chỉnh vì khi thực hiện phải chịu tác động của một số quy hoạch phát sinh. Việc điều chỉnh phải qua nhiều thủ tục, lộ trình và cần thời gian. UBND tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc các cấp, ngành liên quan sớm hoàn thiện để triển khai các dự án.

Việc tạm dừng thi công thí điểm một số hạng mục liên quan đến hệ thống đê cũ, trong khi đê mới chưa hoàn thiện khiến một số người lo ngại về sự an toàn khi mưa lũ. Xác định việc đảm bảo an toàn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhà đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Phương án đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Đại diện nhà đầu tư cho biết: Chúng tôi đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục những tác động đến đê sông Cầu, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai theo quy định...

Rõ ràng việc triển khai các dự án thuộc Đề án sông Cầu là cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của công tác phòng, chống thiên tai và phát triển không gian đô thị. Việc xây dựng và triển khai Đề án đã được các cấp, ngành liên quan và nhà đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật, có phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, tiến độ triển khai Đề án nói chung và thi công thí điểm một số hạng mục nói riêng đang bị chậm, chủ yếu do phải điều chỉnh để phù hợp với các quy hoạch phát sinh. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan và nhà đầu tư vào cuộc tích cực, trách nhiệm hơn để sớm hiện thực hóa Đề án, đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là mong mỏi của người dân.