Theo quy định, sau một thời gian khai thác, đảm bảo thu hồi vốn, chủ đầu tư các dự án cầu treo theo hình thức: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), phải bàn giao công trình cho địa phương quản lý. Để đảm bảo tiến độ bàn giao cầu treo BOT trên địa bàn tỉnh, các đơn vị chủ đầu tư đã, đang tăng cường quản lý phương tiện qua lại, chấn chỉnh hoạt động của nhân viên bán vé…
Khoảng 15 năm về trước, khi chưa có cầu treo, bà con phải đi qua cầu tạm, cầu phao nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi nguồn ngân sách của Nhà nước còn hạn hẹp, không thể đầu tư toàn bộ cầu nên tỉnh đã huy động các nguồn lực để xây cầu. Đối với việc thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, tỉnh lựa chọn hình thức đầu tư hợp đồng: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 cầu treo được các doanh nghiệp đầu tư và thực hiện thu phí dịch vụ. Trong đó, cầu Ba Mố (điểm thu đặt tại cầu treo Bến Oánh), thời gian thu phí từ tháng 1-2011 đến 7-2022; thời gian thu phí cầu Huống Thượng từ tháng 3-2016 đến tháng 1-2034; thời gian thu phí cầu Đát Ma tại thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) từ tháng 11-2005 đến 5-2021. Cả 3 cầu treo này do Công ty CP xây dựng Giao thông II Thái Nguyên thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Kiều, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công trình giao thông II Thái Nguyên cho biết: Sau khi được tỉnh khuyến khích, đơn vị đã đầu tư xây dựng 3 cầu treo, với đầy đủ thủ tục pháp lý và việc thu phí được thực hiện đúng theo quy định của tỉnh. Thời gian đầu khi mới triển khai thu phí, tại cầu treo Bến Oánh, cầu treo Huống Thượng, có nhiều người dân đi qua đây thường trốn mua vé, chống đối bằng cách dựng xe ra giữa đường, gây ách tắc giao thông nên buộc các nhân viên thu phí phải “xả trạm”. Đặc biệt, nhân viên nữ còn thường xuyên bị hăm dọa, khiến doanh thu giảm, có ngày chỉ đạt gần 3 triệu đồng/cầu (dự kiến 8 triệu đồng/cầu/ngày). Tuy nhiên, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân tuân thủ quy định của pháp luật; tăng cường bố trí nhân viên nam thu phí vào ban đêm; đồng thời, chấn chỉnh các nhân viên thu phí thực hiện nghiêm việc trả vé cho khách, vì vậy, giảm dần việc thất thoát tại cầu treo Bến Oánh, cầu treo Huống Thượng. Hiện, doanh thu tại 2 cầu trên đạt hơn 5 triệu đồng/ngày/cầu, đảm bảo việc hoàn vốn đối với đơn vị, đáp ứng được tiến độ thời gian để bàn giao lại cho địa phương quản lý. Còn cầu treo Đát Ma, chỉ thu được khoảng 400 nghìn đồng/ngày, không hiệu quả như dự tính ban đầu. Tuy nhiên đến nay cũng gần hết thời gian được phép thu phí nên Công ty cũng đang làm các thủ tục để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Đối với cầu treo Hà Châu do Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2014, với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng hiện đang được khai thác hiệu quả theo kế hoạch đề ra của đơn vị chủ đầu tư. Riêng Dự án cầu treo Đồng Liên cũng do Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên đầu tư hơn 12 tỷ đồng, đã đưa vào khai thác từ năm 2011, nhưng đến nay, chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, quyết toán nên chưa làm hợp đồng được với cơ quan chức năng…
Có thể thấy, các chủ đầu tư dự án cầu treo BOT trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực để bàn giao công trình theo đúng tiến độ. Tuy nhiên hiện nay, còn cầu treo Đồng Liên vẫn thiếu về thủ tục pháp lý nên chủ đầu tư chưa làm được hợp đồng với tỉnh. Vì vậy, đơn vị này rất mong cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn để hoàn thiện hợp đồng, thu phí và bàn giao công trình đúng theo quy định.