Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số

10:02, 26/03/2020

Với tinh thần không để xóm, bản nào bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp thiết thực nhằm mục tiêu đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển về mọi mặt. Nhờ đó, đồng bào có thêm điều kiện thuận lợi để cải thiện cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.  

Chúng tôi trở lại xã Hoàng Nông vào một ngày cuối tháng 3 và cảm nhận rõ những thay đổi của vùng quê này. Các tuyến đường được trải nhựa, đổ bê tông. Hai bên đường là nương chè trải rộng thay thế cho diện tích đất hoang hoá trước kia. Cách đó không xa là những vườn cây ăn trái với đủ loại như: Bưởi Diễn, cam canh, quýt… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hoàng Nông là một trong những xã tập trung đông đồng bào DTTS ở huyện với trên 500 hộ, trong đó chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Nùng và Hoa. Những năm qua, các chính sách đặc thù cho vùng DTTS được triển khai đã đem lại những nguồn lực to lớn, giúp xã hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn hết là người dân được tạo điều kiện phát triển sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên cải thiện đời sống.

Anh Phùng Văn Thắng (dân tộc Dao), ở xóm Suối Chùn chia sẻ: Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Năm 2015, một chân của tôi bị hoại tử và phải tháo khớp. Kinh tế của gia đình hoàn toàn do vợ tôi gánh vác với 4 sào chè trung du, năng suất thấp. Năm 2017, gia đình tôi được hỗ trợ một bộ tôn quay, máy vò chè trị giá 4,5 triệu đồng, đồng thời được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ đây, vợ chồng tôi có điều kiện mở rộng diện tích chè lên 6 sào, thay thế giống trung du bằng giống chè lai LDP1, cho năng suất cao hơn khoảng 30%. Bên cạnh đó, tôi còn mua giống cá về thả, nuôi thêm vịt, gà. Kinh tế gia đình ngày một ổn định, chúng tôi đã thoát nghèo được gần 2 năm nay. 

Cùng với gia đình anh Phùng Văn Thắng, những năm qua, trên địa bàn huyện đã có hàng nghìn hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, nhiều cá nhân, gia đình đồng bào DTTS phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi đã được các cấp, ngành chức năng ghi nhận, biểu dương, như: Gia đình bà Lương Thị Cảnh (dân tộc Nùng), xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh; gia đình ông Triệu Quang Mạnh (dân tộc Nùng), xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba… 

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 32 DTTS cùng sinh sống (chiếm 32,4% dân số), chủ yếu là các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Mường, Ngái… Các xã có tỷ lệ người DTTS cao như: Phúc Lương, Đức Lương, Na Mao, Minh Tiến, Quân Chu... Nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng bà con DTTS, từ năm 2014 đến nay, huyện đã huy động gần 160 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn, như: Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống; chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất;… Trong số các chương trình nói trên, Chương trình 135 đã và đang được huyện triển khai tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực. Riêng năm 2019, tổng nguồn vốn Chương trình 135 triển khai trên địa bàn huyện là gần 21,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng gần 60 công trình phục vụ đời sống dân sinh, phúc lợi xã hội. Qua đó góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội. Chương trình còn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo cho bà con vùng DTTS… 

Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện kết cấu hạ tầng, huyện còn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề cho lao động nông thôn người DTTS, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng DTTS, phát huy vai trò của người có uy tín trong việc củng cố, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn… Đáng chú ý, công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được chú trọng, quan tâm bảo tồn, tôn tạo, lưu truyền rộng rãi trong nhân dân như: Lễ cấp sắc, đám cưới, tết nhảy của người Dao; hát then, đàn tính của người Tày; hát Sấng Cọ của người Sán Chay… 

Nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, diện mạo kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2015, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là gần 4.800 hộ thì đến cuối năm 2019, con số này giảm còn trên 1.800 hộ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Hồng Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung ưu tiên hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS; tranh thủ tối đa sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của các doanh nghiệp trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào người DTTS trên địa bàn huyện. Đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cũng như phát huy nội lực của vùng đồng bào dân tộc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.