Chiều 2-6, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT, Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) và một số sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển cây dược liệu tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới (ảnh).
Theo báo cáo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, với diện tích rừng tự nhiên trên 102 nghìn héc-ta, diện tích rừng trồng khoảng 44,4 nghìn héc-ta, Thái Nguyên có sự đa dạng về nguồn tài nguyên dược liệu thực vật, dược liệu động vật. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình trồng cây dược liệu như: Cát sâm, đinh lăng, ba kích, khôi nhung, sạ đen, nghệ, giảo cổ lam, sa nhân…
Tuy nhiên, việc triển khai trồng và sản xuất cây dược liệu trên địa bàn còn manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhằm bảo tồn, lai tạo, sản xuất giống cây dược liệu chất lượng cao, đưa công nghệ mới vào bảo quản và chế biến sâu từ sản phẩm cây dược liệu.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng thảo luận và thống nhất đề xuất UBND tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Dương Văn Lượng nhất trí với đề xuất của các đại biểu; đồng thời, giao Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo đánh giá thực trạng vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh, định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.