Nhiều giải pháp "thúc" tăng trưởng tín dụng

07:24, 31/05/2022

Tính đến cuối tháng 4-2022, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng tới 7,85%, cao hơn gấp nhiều lần so với cùng kỳ những năm trở lại đây và cao hơn toàn ngành (7,18%). Dự ước đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng của tỉnh đạt 77,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Kết quả này không chỉ cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mà còn phản ánh những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc tìm giải pháp để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng. 

Phân tích về nguyên nhân dư nợ tăng cao, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên, cho rằng: Mặc dù đến đầu quý II/2022, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh mới "lắng xuống", nhưng trước đó, với việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và tiến tới bình thường mới đã giúp cho nền kinh tế cả nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng có những chuyển biến tích cực. Theo đó, phần lớn doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất - kinh doanh, người dân dần trở lại cuộc sống bình thường nên nhu cầu vốn tín dụng tăng cao. Đặc biệt, với đặc thù là tỉnh có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Khai khoáng, luyện kim đen, dịch vụ kim khí, dệt may, y tế..., nên khi nền kinh tế hồi phục trở lại, Thái Nguyên có những thuận lợi nhất định về thị trường tiêu thụ và giá cả… Chính vì thế, nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh sẽ tăng. 

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục duy trì ở mức thấp đã kích thích tăng trưởng tín dụng, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc tăng dư nợ tín dụng là điều đương nhiên. Các ngân hàng đã phải rất nỗ lực để tìm kiếm khách hàng và đưa ra các giải pháp phù hợp. Bởi trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng có được sự tăng trưởng. 

Ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên, chia sẻ: Năm 2022, các chỉ tiêu tăng trưởng Chi nhánh được giao đều cao, trong đó, dư nợ tín dụng tăng tới 37% so với cuối năm 2021 (tương ứng tăng trên 1 nghìn tỷ đồng). Tính đến hết tháng 4, Chi nhánh đã tăng được hơn 600 tỷ đồng (đạt 23%). Kết quả này được xem là rất cao và “đi ngược” với xu thế tăng trưởng chung của nhiều năm trước đó.

Để có được điều này, ngay từ cuối năm 2021, Vietcombank Thái Nguyên đã phải tiến hành rà soát danh mục khách hàng, nắm bắt tình hình hoạt động, phương án sản xuất - kinh doanh của họ. Khách hàng nào có nhu cầu và đủ điều kiện tăng quy mô, đơn vị sẽ chủ động đồng hành, thậm chí làm sẵn hồ sơ để kịp thời đáp ứng khi cần. Ngoài ra, Chi nhánh cũng chú trọng đến các khách hàng bán lẻ - cho vay tiêu dùng, trong đó tập trung đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng công chức, người lao động mua bất động sản.

Ông Lê Tuấn Phan cũng thẳng thắn: Với sự phục hồi được dự đoán là mạnh mẽ trong năm nay, nếu đơn vị không đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ ngay từ đầu năm thì rất có thể, đến quý III hoặc quý IV, khi giới hạn cho vay, hay còn gọi là room tín dụng, đã đạt ngưỡng, thì việc tăng dư nợ sẽ bị hạn chế. 

Từ đầu năm đến nay, nhất là từ quý II/2022, tình hình sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực cơ bản khởi sắc.

Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên - đơn vị có số tăng trưởng tuyệt đối lên tới gần 1.300 tỷ đồng (tăng 9,4% so với cuối năm 2021), cao nhất trong các tổ chức tín dụng trên địa bàn 4 tháng qua, Giám đốc Hà Mậu Quý cho biết: Đơn vị đã có nhiều giải pháp để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng. Theo đó, Chi nhánh tiếp tục duy trì các giải pháp hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch COVID-19 thông qua các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, cạnh tranh; áp dụng chính sách khách hàng phù hợp theo từng đối tượng cụ thể. Đồng thời, tập trung tăng trưởng tín dụng với các khách hàng thuộc những lĩnh vực ưu tiên có phương án mở rộng kinh doanh khả thi, như: May mặc; sản xuất thép; sản xuất, cung cấp nguyên liệu sản xuất thép; sản xuất giấy; bệnh viện….. Đây cũng chính là nhóm khách hàng có nhu cầu lớn nhất về vốn tín dụng trong giai đoạn vừa qua. Chúng tôi cũng tập trung tìm kiếm, phát triển khách hàng mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Cùng với đó, BIDV Thái Nguyên cũng chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ; cải cách quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng theo hướng nhanh gọn, hợp lý… Bằng giải pháp này, 4 tháng đầu năm, BIDV Thái Nguyên đã phát triển được hơn 500 khách hàng mới, gồm cả doanh nghiệp và cá nhân. 

Tương tự, các ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng dư nợ tín dụng và các chỉ tiêu kế hoạch khác. Theo dự báo, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao, khi mà từ cuối tháng 5 này, ngành Ngân hàng đã bắt đầu triển khai hỗ trợ lãi suất 2% gói 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.

Có thể nói, với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế cùng các giải pháp hữu hiệu, phù hợp của ngành Ngân hàng, đã giúp dư nợ tín dụng trên địa bàn những tháng qua tăng trưởng ấn tượng. Đây cũng được xem là cơ hội để các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc lựa chọn khách hàng tốt, có tiềm năng để phát triển. Đồng thời, nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền khách hàng với định hướng phát triển khách hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế gia tăng sự phụ thuộc vào khách hàng lớn. 

Ngoài ra, dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh cũng sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn. Từ đó, các ngân hàng, đặc biệt là những đơn vị tăng trưởng tốt dư nợ sẽ giảm được chi phí huy động vốn đầu vào, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đồng thời tạo nền tảng cho các ngân hàng phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.