Không thả bóng bay trong Lễ khai giảng - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

16:09, 03/08/2019

Những ngày qua, câu chuyện cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5 trường Marie Curie mạnh dạn gửi thư tới hơn 40 trường học ở Hà Nội với thông điệp "Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển" để kêu gọi các trường đừng thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 khiến các thầy cô bất ngờ, xúc động, nhiều người lớn không khỏi suy nghĩ.

Bé Nguyệt Linh đã nhẹ nhàng đưa đến chúng ta một thông điệp trong ứng xử với môi trường. Thật đáng khen cho cô học trò nhỏ đã dành sự quan tâm sâu sắc đến môi trường sống và sự phát triển bền vững. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Nghĩa đã bày tỏ xúc động và biểu dương, khen ngợi ý tưởng thiết thực của em Nguyệt Linh. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để vừa tạo không khí hứng khởi của ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường.

Đáp lại bức thư của em Nguyệt Linh, rất nhiều trường ở Hà Nội cũng như cả nước đã đồng loạt thông báo sẽ bỏ hoàn toàn phần thả bóng bay trong lễ khai giảng. Hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn này sẽ được thực hiện để góp phần thiết thực bảo vệ môi trường. Cùng với ý tưởng không thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng, nhiều trường đang lan truyền thông báo đến với phụ huynh và học sinh về việc không sử dụng nilon để bọc vở trong năm học mới. Thông điệp "No Plastic" cũng được lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều trường. Học sinh được yêu cầu không dùng ống hút nhựa, tích cực mang bình nước cá nhân trong những dịp đi dã ngoại để giảm thiểu uống nước đóng chai nhựa. Những thông điệp đó đang được đông đảo các bậc phụ huynh và học sinh ủng hộ.

Trước những hậu quả khôn lường do ô nhiễm môi trường có thể gây ra, nhiều năm qua, Nhà nước và một số địa phương đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động thiết thực để hưởng ứng bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, tăng nặng xử phạt các hành vi xả thải, phá hoại môi trường… Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm “ở trên cao”, cá nhân mình có xả thải không đúng cách cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều…

Nhân ngày khai trường, thầy cô thường cho phép các em thả bóng bay với ý nghĩa gửi gắm những ước mơ bay cao, bay xa, khởi đầu một năm học mới hào hứng cho các học trò nhưng lại không nghĩ đến việc bóng bay sẽ gây tác hại với môi trường sống. Người lớn chúng ta vẫn thường thả hoa đăng, đèn lồng như một nét đẹp văn hóa gửi gắm mong cầu nguyện vọng trong các lễ vu lan báo hiếu, cầu siêu, phóng sinh… nhưng đèn lồng, hoa đăng (làm từ nhựa, nilon, giấy, cao su…) được thả xuống sông hay trên trời có thể ảnh hưởng đến sự sống của các sinh vật. Rồi trong lễ khai trương, khánh thành, động thổ…, những chùm bóng bay đủ màu sắc được sử dụng và thả lên trời như thể hiện sự nhiệt huyết, quyết tâm. Kết quả là chính người lớn chúng ta cũng chưa làm gương để giáo dục trẻ em.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ trong nước mà cả thế giới đang rất quan tâm. Những hậu quả từ ô nhiễm môi trường xuất hiện ngày một rõ rệt với tần suất dày đặc hơn. Theo thống kê của báo Wall Street Journal công bố năm 2018, hiện Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về thải rác thải nhựa ra biển. Bởi vậy, dù chỉ là những hành động nhỏ để giảm thiểu tác hại nhưng mỗi chúng ta cùng nhau thực hiện sẽ thành một câu chuyện lớn, mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

"Tôi hy vọng lá thư của em Linh sẽ khơi dậy ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều học sinh. Trước hết là giữ gìn, bảo vệ môi trường ngay trong lớp học, trường học và nơi các em đang sinh sống bằng các việc làm hết sức cụ thể, thiết thực mỗi ngày".

                             Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa



Tổng hợp đề speaking ielts