Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (CTGDPT 2018). Không chỉ thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp, hiện nay đã bước sang học kỳ II của năm học nhưng nhiều trường trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải xoay xở vì thiếu trang thiết bị dạy học.
Giờ học môn Vật lý của thầy và trò lớp 10A7, Trường THPT Lương Ngọc Quyến. |
Năm học này đối với cấp THPT là năm học đầu tiên lớp 10 học theo CTGDPT 2018. Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ) hiện có 13 lớp 10 với 585 học sinh (HS). Theo đánh giá của nhiều giáo viên, CTGDPT 2018 có nhiều ưu điểm như: Giảm tải môn học, nội dung và cả chương trình. Có nhiều môn học đánh giá bằng nhận xét nên đã giảm áp lực học tập của HS. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã bước sang học kỳ II của năm học, Nhà trường vẫn chưa được cấp thiết bị dạy học theo chương trình mới nên gặp nhiều khó khăn trong việc dạy và học.
Th.s Nguyễn Thái Trường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết thêm: Các thiết bị, đồ dùng cho giáo viên giảng dạy những môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ của khối 10 chưa được cấp. Nhà trường phải tận dụng lại một số trang thiết bị của chương trình cũ để hạn chế việc dạy chay.
Thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 6, năm học 2021-2022 Trường THCS Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) đã được đầu tư nhiều trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, hết học kỳ I của năm học 2022-2023, khi CTGDPT 2018 thực hiện đối với lớp 7 đang được triển khai, Nhà trường vẫn chưa được cấp phát các trang thiết bị dạy học.
Theo cô giáo Vũ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Vinh: Đối với CTGDPT 2018, hiện tại, các nhà trường mới được cấp danh mục thiết bị đối với lớp 6. Đối với danh mục thiết bị tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành hiện nay, số lượng cấp phát mới đạt khoảng 1/2. Để đảm bảo yêu cầu dạy học, các thầy cô phải làm tranh ảnh, đồ dùng mẫu vật... để nâng cao hiệu quả tiết học.
Cũng trong tình trạng tương tự, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học theo chương trình phổ thông mới. Cô giáo Lương Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bách Quang, TP. Sông Công, đề nghị: Để thực hiện tốt CTGDPT 2018 đối với lớp 7, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục.
Nhằm thực hiện tốt CTGDPT 2018, Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 154/NQ-HĐND về Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đề ra là đảm bảo đủ 1 phòng học/lớp; mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non, phổ thông từ lớp 2 đến lớp 12 theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tổng kinh phí theo Đề án là trên 2.820 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng cơ sở vật chất là trên 2.227 tỷ đồng; kinh phí mua sắm thiết bị gần 600 tỷ đồng.
Vậy, tại sao đã có nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định ban hành Đề án của UBND tỉnh mà đến thời điểm này các trường vẫn thiếu nhiều thiết bị dạy học theo CTGDPT 2018? Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GDĐT, cho rằng: Sở GDĐT cùng các huyện, thành phố cũng đã mua sắm, bổ sung các trang thiết bị mới phục vụ CTGDPT 2018. Riêng cấp THPT, hiện nay chưa mua sắm được trang thiết bị mới theo CTGDPT 2018, Sở đã chỉ đạo các trường rà soát trang thiết bị cũ đảm bảo thực hiện chương trình đạt khoảng 60%. Năm 2023, Sở GDĐT có phương án tiếp tục mua sắm bổ sung trang thiết bị CTGDPT 2018. Chúng tôi cũng đề nghị các huyện, thành phố dành nguồn kinh phí theo chương trình, đề án, theo kế hoạch để mua sắm trang thiết bị cho các trường mầm non, tiểu học, THCS theo phân cấp quản lý giáo dục.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngoài đội ngũ giáo viên đóng vai trò nòng cốt thì cơ sở vật chất trường lớp, các thiết bị dạy học là nền tảng giúp HS học tốt lý thuyết đi đôi với thực hành. Do vậy, ngành GDĐT cần sớm có giải pháp khắc phục những khó khăn do thiếu trang thiết bị dạy học theo chương trình mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin