Dẫu bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng chị Trần Thị Thu Huệ, 35 tuổi, trú tại tổ 11, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) là tấm gương sáng về một nghị lực vượt khó phi thường.
Chúng tôi đến cửa hàng may rèm cửa, màn, do chị Huệ làm chủ vào một ngày trung tuần tháng Tư, điều làm chúng tôi ngỡ ngàng là một người tàn tật như chị lại có thể quán xuyến được cửa hàng rộng đến 3 gian mặt phố. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi liên tục ngắt quãng bởi lượng khách ra vào đặt hàng liên tục, các cuộc điện thoại không ngớt. Chị vừa tư vấn cho khách, thi thoảng lại nhìn chúng tôi với ánh mắt như mong chúng tôi thông cảm cho công việc của chị. Chị chia sẻ: Khi được 9 tháng, tôi bị ốm nặng đã khiến một bên chân bị liệt hoàn toàn. Năm lên 4 tuổi, tôi mới bắt đầu tập đi những bước đi đầu tiên nhưng rất khó khăn. Cho đến khi học hết tiểu học, việc đi lại của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình và bạn bè. Chính bởi trong hoàn cảnh như vậy, tôi tự nhủ mình càng phải học thật giỏi để sau này có thể nuôi sống được bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình.
Với ý chí và lòng quyết tâm cao, chị Huệ không hề mặc cảm mình là người khuyết tật và luôn chứng tỏ cho mọi người thấy khả năng học tập của mình. Chị đã thi đỗ vào Khoa Toán - Tin của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Sau 4 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, ra trường với tấm bằng loại Khá, thế nhưng chị vẫn mặc cảm với đôi chân tập tễnh, đứng không được lâu, đi không được nhiều thì làm sao có thể truyền dạy kiến thức cho học sinh được đây?
Và lần này, chị quyết tâm chuyển cuộc đời mình sang một ngã rẽ mới trong sự ủng hộ của cha mẹ, bạn bè và người thân. Một lần, đến chơi nhà người bạn, thấy bạn có cửa hàng may rèm, màn nho nhỏ, chị liền nảy sinh ngay ý nghĩ mình sẽ mở một cửa hàng như thế. Là người vốn tiếp thu nhanh nên chỉ trong vòng chưa đầy một tháng chị đã có thể học xong nghề và ra mở một cửa hàng riêng. Ban đầu chỉ là bán khung, sào và may các sản phẩm đơn giản phục vụ cho việc lắp rèm, màn. Một thời gian, cửa hàng của chị dần đông khách, các mẫu sản phẩm, kiểu dáng mới được chị cập nhật nhanh chóng, tư vấn đến khách hàng nên lượng khách đến với cửa hàng chị ngày một đông. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tỉnh mà chị còn nhận được nhiều đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân ở tỉnh khác với số lượng lớn.
Hiện cửa hàng may rèm, màn của chị Huệ đang tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 7 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ hết chi phí chị có thu nhập trên 100 triệu đồng. Chị Trần Thùy Linh, nhân viên may rèm, màn, cho biết: Tuy là người không được lành lặn như bao người khác, đi lại khó khăn, nhưng chị Huệ cư xử rất khéo léo, với khách hàng chị tư vấn nhiệt tình, còn với nhân viên chị luôn hướng dẫn đến nơi đến chốn nên chị em chúng tôi thấy rất thoải mái khi làm việc ở đây.
Chị Huệ chỉ là một tấm gương trong số nhiều tấm gương người khuyết tật bỏ qua sự mặc cảm, vượt lên số phận. Trong cuộc sống tươi đẹp này còn có biết bao nhiêu hoàn cảnh không may mắn như chị Huệ nhưng ở họ luôn có một nghị lực sống phi thường, cống hiến tài năng, trí tuệ của mình để góp phần dựng xây xã hội ngày một tốt đẹp hơn.