Tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng đã và đang gây sức ép lớn lên sông Cầu. Bên cạnh “gam màu xanh”, dòng sông vẫn “gồng mình” gánh chịu hàng loạt sức ép từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguy cơ ô nhiễm trên sông Cầu luôn hiện hữu nếu không có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.
Kết quả quan trắc môi trường tỉnh Thái Nguyên đầu năm 2021 cho thấy nhìn chung chất lượng nước lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh khá ổn định; ở khu vực thượng nguồn, chất lượng nước đảm bảo phục vụ khai thác sinh hoạt.
Tuy nhiên, khi chảy qua địa phận T.P Thái Nguyên, chất lượng nước bị suy giảm, có thời điểm môi trường nước sông ở mức kém. Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên - Môi trường, lưu vực sông Cầu hiện có trên 4.000 nguồn thải. Nước thải từ sản xuất, kinh doanh chiếm 68,9% toàn vùng; nước thải làng nghề khoảng 24,2%, nước thải khu, cụm công nghiệp chiếm 6,2%... Trong đó, Thái Nguyên có 1.095 nguồn thải - là địa bàn có nhiều nguồn thải nhất trong 6 tỉnh lưu vực sông.
Ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông Cầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một phần do tiếp nhận các nguồn xả thải vào lưu vực sông, một phần do sự lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường nước.
Trong đó, một số nguồn phát sinh chính là nước thải từ nguồn thải của các cơ sở sản xuất không qua xử lý hoặc xử lý không đảm bảo xả trực tiếp ra sông Cầu. Dẫn chứng cụ thể, tháng 8-2019, sau nhiều ngày mật phục lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cố tình lắp đặt một đường ống nhựa để bơm nước từ bể gom nước thải hòa lẫn ra hố ga rồi đổ trộm xuống sông Cầu với lưu lượng khoảng 700m3/ngày đêm.
Hay mới đây nhất, Báo Thái Nguyên đã có bài viết phản ánh tình trạng cơ sở giết mổ không phép của ông Trần Ngọc Soái, ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên), hoạt động trong khu dân cư gây mùi hôi thối và xả thải trực tiếp ra dòng sông Cầu. Với quy mô giết mổ từ 10 đến 30 con lợn, mỗi ngày cơ sở này xả thải ra sông Cầu khối lượng lớn nước thải lẫn các phế phẩm như máu, lông lợn. Thậm chí cả các chất thải rắn như: Đầu mẩu thịt, nội tạng gia súc, lợn chết… cũng bị ném thẳng xuống dòng sông.
Đáng lưu ý, các mẫu xét nghiệm lấy tại cơ sở giết mổ của ông Soái cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Có một nghịch lý, nếu như hệ thống xử lý nước thải tập trung từ các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất công nghệ cao đạt 75% thì ngược lại 90% lượng nước thải nông nghiệp lại xả trực tiếp ra sông. Điều này cũng đang đặt ra thách thức lớn đối với bảo vệ nguồn nước sông Cầu. Cụ thể là rác thải, nước thải nông nghiệp chưa được thu gom, xử lý đúng cách; chăn nuôi phát triển không đúng quy hoạch, chưa kiểm soát được hoạt động đầu tư, không thực hiện thủ tục môi trường theo quy định, chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để…
Chưa kể đến thói quen “tiện tay” vứt mọi thứ xuống dòng sông của người dân sinh sống dọc bờ sông Cầu từ chai nhựa, túi nilong đến bàn ghế, đồ đạc hỏng… khiến khu vực hạ lưu phải “oằn mình gánh” rác thải.
Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu tăng cường bảo vệ các nguồn nước để sông Cầu không gia tăng ô nhiễm và bị xâm lấn.
Để thực hiện mục tiêu này, Đề án đặt ra các giải pháp: Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; kiểm soát nguồn thải tại các KCN, cụm công nghiệp (CCN); đặc biệt là đôn đốc 2 KCN Điềm Thụy B và Trung Thành, các CCN phải sớm hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung; bổ sung thực hiện các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị…
Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ có thể phát huy tốt hiệu quả nếu mỗi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động để trả lại sự trong sạch cho dòng sông Cầu.