Sớm ngày phiên chợ Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) vào đúng ngày Lễ hội làng Chuông (mồng 10 tháng Ba âm lịch), những sạp hàng cơ man là nón và các nguyên liệu làm nón trắng sáng cả góc làng từ 5 giờ sáng.
Nghệ nhân Lê Văn Tuy hướng dẫn nhóm bạn trẻ đan nón tại làng Chuông. Ảnh: QUÝ ĐỨC |
Chợ Chuông nổi tiếng là một địa chỉ du lịch với những ai ưa khám phá các phiên chợ quê, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 âm lịch, nhà nhà nô nức đem theo các mặt hàng của gia đình về đây bày bán. Chợ họp sớm, đông đúc và nhộn nhịp nhưng mau chóng tan sau khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Sau khi ghé vào phiên chợ nón, thỏa thuê nhìn ngắm các bà, các chị đan nón, rồi xin đội thử nón và chụp ảnh lưu niệm, nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đi khảo sát, tìm hiểu về nghề thủ công làm nón ở làng Chuông hòa vào đoàn rước kiệu Lễ hội làng Chuông, rồi ghé tới nhà nghệ nhân làm nón Lê Văn Tuy.
Sà vào những nguyên liệu nào lá, nào nan, khung làm nón đã được nghệ nhân Lê Văn Tuy chuẩn bị sẵn, nhóm bạn trẻ hào hứng trước đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân hướng dẫn khâu nón cùng câu chuyện kể của ông. Theo nghệ nhân Lê Văn Tuy, từ thế kỷ thứ 8, làng đã bắt đầu sản xuất nón. Thuở đó, làng Chuông có tên gọi là Trang Thì Trung, chuyên làm các loại nón cho hầu hết mọi tầng lớp trong xã hội. Thời kỳ phát triển, làng Chuông là nơi cung cấp nhiều loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá già ghép sống; trong đó, quai thao được người già đội đi chùa, còn nón lá già ghép sống phục vụ những người phụ nữ làm công việc đồng áng.
“Chuyến đi rất bổ ích và lý thú. Em được đến thăm làng nón Chuông, ngôi làng mộc mạc, giản dị với nhiều nếp nhà cổ nép mình lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc và được chứng kiến các nghệ nhân làm nên những chiếc nón chóp, nón quai thao”, sinh viên Trần Minh Phương, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.
Nghề đan nón ở làng Chuông đã truyền qua nhiều thế hệ và nơi đây là một trong những chiếc nôi sản xuất nón lá nổi tiếng nhất Hà thành. Hiện tại, có khoảng 2.700 hộ dân ở làng Chuông đan nón lá, đem đến những sản phẩm giá rẻ, mẫu mã phong phú cho khách hàng trong nước và quốc tế. Để làm nên chiếc nón lá mang đậm nét đặc trưng của làng Chuông, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như chọn lá, xử lý lá cho đến những bước hoàn thiện. Khâu nón là công đoạn khó nhất. Người thợ giỏi khâu nón phải bảo đảm không làm nát lá, không bị lộ chân kim, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp, khăng khít chặt chẽ, khi soi lên không thấy kẽ hở. Chiếc nón hoàn tất khi kết thúc công đoạn làm nôi, tức phần buộc quai nón, tùy nón mà nôi pha màu, phối màu. Ðể tránh thấm nước, người thợ sẽ phết phía ngoài lớp dầu thông mỏng.
“Làm ra một chiếc nón đã khó, việc tìm được thị trường cho nón lá làng Chuông trong bối cảnh nhu cầu về các sản phẩm truyền thống suy giảm lại càng khó hơn. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình ở Phương Trung đã tìm hướng đi mới, tập trung vào làm hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu. Nhiều mẫu mã nón mới, điển hình trong đó phải kể đến nón lụa - được làm kết hợp với lụa Hà Ðông. Nhờ đó, nghề làm nón dần được khôi phục và có bước phát triển vững vàng, ngoài phục vụ nhu cầu sử dụng như truyền thống, còn có các loại nón làm đồ lưu niệm, trang trí”, nghệ nhân Lê Văn Tuy cho hay.
Theo ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai, những năm gần đây, làng Chuông đã trở thành một điểm đến trong một số tour du lịch làng nghề. Hiện tại, xã Phương Trung đã quy hoạch và đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án gần 20ha để phát triển nghề làm nón. Với những định hướng này, hy vọng nghề làm nón sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó, thu nhập của người làm nghề được nâng cao, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin