Vùng đất Thái Nguyên - nét gạch nối giữa vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng với đại ngàn Việt Bắc luôn hoà chung dòng sử với non sông đất Việt.
Ví thời gian như một dòng sông mênh mang vô tận, lúc ầm ào ghềnh thác, khi êm đềm chở mang những khắc giây mặn mòi, bi, tráng của cuộc đời. Trên dòng sông ấy, tất cả được gói ghém thành trang sử, để hậu sinh khi lật mở thấy được niềm tự hào, trăn trở thế hệ trước kinh qua. Vùng đất Thái Nguyên - nét gạch nối giữa vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng với đại ngàn Việt Bắc luôn hoà chung dòng sử với non sông đất Việt. Các thế hệ kế tiếp nhau, mà tự đáy thẳm tâm hồn của người Thái Nguyên đều nguyện làm hạt phù sa bồi đắp cho những mùa vàng Tổ quốc.
Chảy chung dòng máu quật cường, người Thái Nguyên liên tục đứng lên đánh đuổi giặc thù. Nữ tướng Hồ Đề cùng các bộ tộc ở vùng núi Thái Nguyên tham gia cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng năm 40. Dương Tự Minh đưa dân đi đánh giặc Tống ở Quảng Nguyên, được triều đình nhà Lý sắc phong “Thượng đẳng thần”. Lưu Nhân Chú, vị tướng tài thao lược được Vua Lê phong Đại tư mã Tướng công... Đất lành sinh nhân kiệt, gần trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, người Thái Nguyên liên tục đứng dậy đấu tranh chống áp bức của giặc thù. Sau cuộc khởi nghĩa do Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn năm 1917, người Thái Nguyên lớp trước ngã xuống, người lớp sau lại vùng lên viết tiếp trang sử đấu tranh chống ngoại xâm bằng máu, nước mắt. Những cuộc quật khởi bi tráng kế tiếp làm trang sử đấu tranh đong đầy niềm tự hào. Nhất là khi có Đảng dẫn lối (1930), phong trào đấu tranh càng bền bỉ, kiên quyết. Như khúc dạo đầu của bản khải hoàn ca cách mạng, xã La Bằng (Đại Từ) mùa Thu năm 1936 đã chứng kiến sự ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Kể từ mùa Thu ấy, Thái Nguyên trở thành một trong những địa bàn hoạt động an toàn của các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Rồi, mùa Thu năm 1941, tại khu rừng Khuôn Mánh, Tràng Xá (Võ Nhai) Trung đội Cứu Quốc quân II được thành lập, là lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một đội quân trong tay có súng trường, súng kíp và gậy gộc đã cùng nhân dân cả nước làm nên mùa Thu lịch sử năm 1945, đánh đổ đội quân thực dân thiện chiến, có trang bị vũ khí hiện đại.
Khi đất nước trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn Thái Nguyên làm An toàn khu kháng chiến. Với địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, trong sự đùm bọc, che chở của người Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Dưới trời Tây - Bắc đầy hoa ban trắng, thoảng hương hoài nhớ những người trong đoàn quân xuất phát từ Thủ đô gió ngàn không trở về. Đất nước chưa trọn một ngày vui, tiếng súng chống Mỹ cứu nước lại bắt đầu khai hoả, Thái Nguyên trở thành một trong những miền hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Vừa đánh giặc, vừa kiến thiết xây dựng đất nước, dưới bom đạn chiến tranh, gang thép vẫn rực rỡ ra lò. Trên trận địa cầu Gia Bảy, bộ đội, dân quân ngày đêm bám trụ bảo vệ bình yên cho bầu trời Việt Bắc. Vì miền Nam ruột thịt, những thanh niên xung phong Đại đội 91 Bắc Thái đã ngã xuống trong trận giặc trời Mỹ oanh tạc ga Gia Sàng. Giữa tàn khốc của bom đạn chiến tranh, các thế hệ người Thái Nguyên vẫn từng đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Ngày đất nước thống nhất, trong rực rỡ cờ, hoa, hàng nghìn người con của vùng đất Thái Nguyên đã hoá thân thành lời ca bất tử.
Hai chữ “hoà bình” chấm dứt cảnh bom đạn rơi đạn nổ, người Thái Nguyên lại ngẩng đầu đối diện với mọi khó khăn, để vượt lên tất cả vì mục tiêu xây dựng quê hương giàu mạnh. Những bàn tay cầm súng gác lại hận thù, thắt lưng buộc bụng để dồn sức làm nên diện mạo một đô thị văn minh. Cùng năm tháng, một thị xã lấp xấp từng dãy nhà tranh tre, nay là đô thị nhà cao tầng san sát. Từ trung tâm tỉnh lỵ về các huyện, thị đường được trải bê tông. 180 xã, thị trấn của tỉnh đều đã có đường cho xe cơ giới về. 100% xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện văn hoá và được phủ sóng phát thanh. 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Người dân khi ốm đau đều được khám, chữa trị tại các bệnh viện hoặc trạm y tế cơ sở.
Với lợi thế về vị trí địa lý, Thái Nguyên đang từng bước trở thành một trung tâm văn hoá của vùng Việt Bắc, đồng thời là cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa vùng trung du miền núi với đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt trong 5 năm gần đây (2005-2010), tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách do thiên tại, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, song nền kinh tế của tỉnh vẫn ổn định, tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hằng năm đạt hơn 11%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Thu nhập bình quân đạt 17,4 triệu đồng/người/năm. Trong hợp tác đầu tư, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 2.500 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trên 52.000 cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Từ năm 2005 đến nay Thái Nguyên đã thu hút trên 400 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký quy đổi đạt hơn 105.000 tỷ đồng.
Cùng năm tháng, những mùa vàng đi qua bao đời người, cứ lặng lẽ như một dòng sông - Một dòng sông của các thế hệ kế tiếp nhau “dám bơi ra biển lớn” để làm nên một diện mạo Thái Nguyên Anh hùng. Niềm tự hào ấy được khắc lại thành dấu ấn, hiện hữu ngay trên vùng đất lành có huyền thoại Hồ Núi Cốc, có vùng chè bát ngát xanh cùng câu Sli câu Lượn ngợi ca những người con anh hùng trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động xây dựng quê hương...Trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hoá), từ Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng chuông báo công với Người vọng vang tựa tiếng còi tàu, dẫn con thuyền hướng về biển lớn bằng nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền nhân dân cùng đoàn kết xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, và là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo của vùng Trung du miền núi phía Bắc.