Hiệu quả từ các chương trình, dự án ở Thần Sa

09:29, 05/12/2011

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, những năm qua, Đảng bộ xã Thần Sa (Võ Nhai) đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH…

Khi về với bà con xóm Trung Sơn và Kim Sơn, điều khiến chúng tôi thấy rất vui là hầu hết các gia đình đều có xe máy. Số hộ có máy cày mini, máy bơm nước chiếm khoảng 70-80% tổng số hộ dân. Ông Lường Văn Đề, xóm Trung Sơn bày tỏ niềm vui: Năm 2009, được sự hỗ trợ của Nhà nước, của anh em, họ hàng, gia đình tôi đã mua được một chiếc máy cày trị giá trên chục triệu đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ sức máy cày, thời gian dành cho khâu làm đất đã được rút ngắn, đất được cày bừa cũng kỹ hơn. Cùng với việc đưa những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, việc dùng máy móc trong nông nghiệp đã giúp giải phóng sức lao động mà năng suất cây trồng lại tăng lên...

 

Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng ủy, UBND xã Thần Sa đặc biệt quan tâm. Trong  5 năm qua, xã đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, xã đã huy động gần 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xã, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung; gần 6 tỷ đồng xây dựng trường, lớp học... Cùng với đó, xã còn tập trung chỉ đạo các đoàn thể, xóm, bản tổ chức bình xét hộ nghèo đảm bảo đúng đối tượng để việc hỗ trợ cho hộ nghèo của nhà nước thực sự phát huy hiệu quả.

 

Thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010), xã đã tổ chức bình xét, thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo mua được 35 máy cày mini, 9 máy sao chè, 87 con trâu cái sinh sản, trồng chè cành, keo... với hàng trăm hộ được hưởng lợi. Thông qua Chương trình 134, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, trên 100 hộ nghèo cũng đã được hỗ trợ tiền để làm nhà ở kiên cố... Ngoài ra, các hộ nghèo còn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, từ các kênh tín dụng khác và được tập huấn khoa học kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất, tạo nguồn tăng thu nhập, cải tạo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong 5 năm (2005 -2010), Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể ở xã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; đứng ra tín chấp cho các hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ trên 2,5 tỷ đồng...

 

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thần Sa phấn khởi nói: Khoảng 10 năm trở về trước, xã Thần Sa dường như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi đường đi rất khó khăn, mọi sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra chỉ để tự cung tự cấp. Giờ đây, đường từ ngã ba La Hiên vào trung tâm xã và từ trung tâm xã đi các bản, làng đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Giao thông thuận lợi, hàng hóa của người dân cũng đã được đem bán ở các chợ Cúc Đường, La Hiên. Nguồn điện lưới Quốc gia đã đến được 7/9 xóm bản nên nhiều hộ đã sắm được tivi, tủ lạnh, quạt điện, máy bơm nước. Mặc dù nhân dân xã Thần Sa vẫn còn nghèo nhưng chất lượng cuộc sống đã được nâng lên rất nhiều, diện mạo vùng quê đã có nhiều khởi sắc. Năng suất lúa năm 2005 mới đạt 45 tạ/ha thì đến năm 2011 đã đạt 58 tạ/ha từ đó góp phần nâng tổng sản lượng lương thực có hạt từ  796 tấn (năm 2005) lên1.421 tấn (năm 2011). Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 7,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54% (năm 2005) xuống còn 42% (năm 2010)...

 

Có thể nói, nhờ việc triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc miền núi của Đảng, Nhà nước cùng nhiều chương trình, dự án khác của tỉnh, kết cấu hạ tầng ở Thần Sa đã được quan tâm xây dựng và đang từng bước hoàn thiện; việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi được chú trọng; đời sống của người dân đang từng bước được nâng lên. Ông Lường Văn Tưng, Trưởng xóm Trung Sơn cho rằng: Cái được lớn nhất của các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo là đã nâng cao trình độ nhận thức, năng lực sản xuất cho người dân. Qua việc được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhiều hộ dân đã có kiến thức, kinh nghiệm và phương tiện sản xuất...