Trước khi đến Trường Sa tôi mường tượng nơi đây chỉ toàn cát trắng, san hô và màu xám của các công trình bê tông chắn sóng. Đến gần Trường Sa tôi thật bất ngờ khi thấy nổi bật trên mênh mông sóng biển là một hòn đảo xanh um tùm cây lá…
Trên đảo Trường Sa hiện đã có khá nhiều loại cây, trong đó có một số cây đã từng được các nhà báo, nhà văn nhắc đến nhiều lần khi viết về Trường Sa như: Bàng, Phong Ba, Bão Táp…đây là các loại cây có sức sống mãnh liệt, bất chấp thời tiết khắc nghiệt ở đảo. Cây Bàng vuông, một loại cây đặc biệt luôn gắn liền với các chiến sĩ ở ngoài hải đảo. Ở ngoài đảo chìm nơi mênh mông toàn là nước, vì yêu mến loại cây này, chiến sĩ ta thường chiết cành và trồng vào chậu để ở trước các khu nhà bê tông nổi. Cây Bàng vuông có lá xanh ngắt, to, dày và bóng, các lá mọc so le, xòe rộng phủ bóng mát. Cây có hoa và quả khá to, hoa khi nở giống với hoa của cây roi ngoài miền Bắc chỉ khác ở chỗ là nó to hơn nhiều, phía đầu nhụy hoa có màu tím đỏ. Quả Bàng vuông cũng rất đặc biệt, quả to gần bằng cái bát con, có 4 cạnh, phần quả phía gần cuống to và thóp nhọn lại ở phía bên dưới.
Ở trước nhà chỉ huy của đảo có 2 cây rất to, đường kính trên 60 cm, lớp vỏ thân cây Bàng vuông rất dày, dáng cây cúng cáp khiến cho người đứng dưới nó có cảm giác rất an toàn. Cây Bão táp thì lại khác, thân cây mảnh mai, lá cây xanh và dày, cây Bão táp thường không mọc đơn lẻ, rễ cây đi đến đâu là mầm cây trổ lên đến đó, cả rừng cây Bão táp mọc san sát, cành cây quấn quýt đan lấy nhau tạo thành một bức tường đầy thân cây và lá, việc này giúp cây giữ độ ẩm dưới gốc và tồn tại lâu hơn dưới ánh nắng chói trang ở đảo. Lợi dụng đặc điểm này, người dân trên đảo thường trồng cây này phía ngoài bờ biển để chắn gió.
Ở quần đảo Trường Sa, nhất là các đảo chìm, thiếu rau xanh là câu chuyện muôn thủa. Rau trồng ở đảo rất khó sống do gió mang hơi nước biển có muối mặn luôn thổi ào ạt vào các nơi, thêm vào đó là nắng gắt và sương muối làm táp lá, đất thì không có nhiều, chủ yếu là cát và san hô non nên việc trồng rau quả là không dễ. Với đức tính cần cù, chiến sĩ ta đã dày công gieo trồng nhiều loại rau, củ, quả để cải thiện bữa ăn, thiếu úy Ngô Văn Doanh, Trạm tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn đảo Trường Sa cho biết: Đất ở đảo rất hiếm nên có bao nhiêu anh em dành hết để trồng rau, thường là cho vào các thùng xốp hoặc quây lại ở một khu kín, bên ngoài trồng cây Bão Táp để chắn gió. Các loại rau muống, rau lang, mồng tơi, đỗ đỏ… đều đã được lính đảo trồng. Mặc dù đã được tưới nước ngọt đều đặn, có lưới che nắng nhưng rau phát triển rất chậm, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 thì còn đỡ chứ vào dịp cuối năm thì hầu như chết hết.
Rau bầu đất trên đảo Trường Sa
Tuy nhiên ở đảo cũng có nhiều loại rau và cây ăn quả sống được, đó là rau bầu đất, đu đủ và chuối. Rau bầu đất thường được các chiến sĩ trồng trên cát lẫn đá san hô và lá cây mục, rau có lá dài, diềm lá có hình răng cưa, đây là loại rau chịu được sương muối, chỉ cần che kín gió và tưới nước đều đặn là phát triển được, loại rau này khi nấu canh ăn gần giống với loại rau mồng tơi ở ngoài miền Bắc. Ngoài rau bầu đất thì chuối và đu đủ là loại cây được trồng ở nhiều nơi trên đảo, hầu như chỗ nào kín gió, có khoảng rống rộng đều được chiến sĩ ta trồng đu đủ và chuối. Có lẽ cây không nỡ phụ lòng người nên đu đủ ở Trường Sa rất sai quả, quả to và dài, có cây đếm được trên 10 quả. Để có một trái chuối chín ăn cũng không phải là dễ, ngoài việc phải chằng, chống cho cây khỏi bị gió bẻ gãy, ngay từ khi chuối ra hoa, chiến sĩ ta đã phải lấy bao tải dứa buộc kín để tránh gió, khi buồng chuối đã rụng hết hoa, trái chuối tương đối cứng cáp mới không phải che, tuy nhiên những lá chuối mọc cao lên trên lùm cây chắn gió đều bị gió và nước muối làm chết lá.
Việc phủ xanh đảo Trường Sa rất quan trọng bởi nắng ở đây rất gắt gao, gió mang hơi muối mặn lúc nào cũng chen khắp mọi ngõ ngách, chỉ cần đứng ở chỗ có gió thổi liên tục khoảng 10 phút, tóc của bạn sẽ trở nên xơ cứng vì bám đầy nước muối. Chính vì thế, việc trồng cây phủ xanh đảo rất quan trọng, cây xanh sẽ giúp che nắng, ngăn gió, có bóng mát mới trồng được rau, chăn nuôi lợn, gà để cải thiện bữa ăn. Trong 2 ngày ở lại đảo, khi đi tham quan các nơi, tôi nhận thấy khắp vùng đảo có nhiều cây có tên gọi là cây Tra, đây là loại cây thân cứng, lá to dầy và có hình gần như hình lục lăng, tán cây rộng, cây to có thể cao tới 4 đến 5 mét. Do có tán lá rộng nên cây Tra giúp che bóng mát, ngăn được gió, tuy tán to nhưng thân cây không lớn lắm, chủ yếu là các cành cây vươn dài vì thế không bị cản tầm nhìn, đây hiện là cây xanh phổ biến nhất ở trên đảo.
Thượng tá Phạm Quang Trung, Chính Trị viên đảo Trường Sa cho biết: Cây Bàng vuông là loại cây đã có sẵn ở trên đảo từ trước, năm 1992, có một đoàn công tác từ đất liền ra đảo nghiên cứu về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển đảo đã mang cây Tra ra trồng thử nghiệm, từ đó cây Tra bắt đầu có mặt trên đảo Trường Sa. Sau một thời gian thử thách với nắng, gió, hơi nước mặn và thổ nhưỡng khô cằn, cây Tra tự phát triển tốt, không bị táp lá, chịu được hạn hán và hơi nước mặn. Việc nhân giống cây Tra cũng rất đơn giản, quả của cây khi rụng xuống đất có thể tự mọc. Tuy nhiên để nhân giống nhanh hơn, các chiến sĩ ở đảo thường dùng phương pháp chiết cành sau đó cắt ra mang đi trồng. Một điều thú vị nữa là lá non của cây Tra khi gói với thịt hoặc cá ăn khá ngon, có vị chát hơn lá cây sung ở trong đất liền, đây là món ăn khoái khẩu của các chiến sĩ ta ở đảo.
Thượng tá Phạm Quang Trung cho biết thêm: Trong một lần ra thăm, khi thấy cây Tra phát triển tốt ở các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã có ý định tìm người đã mang cây Tra từ đất liền ra trồng ở đảo để khen thưởng, nhưng cho đến nay chưa xác định được người đó là ai, chỉ biết rằng đó là một cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã từng ra đảo Trường Sa cách đây gần 20 năm.