Về Hồng Tiến xem nông dân xây dựng nông thôn mới

08:30, 07/03/2012

Được chọn là 1 trong 4 xã điểm thực hiện mô hình xây dựng nông thôn mới của huyện Phổ Yên, từ năm 2010 đến nay Hồng Tiến đã đạt được 12/19 tiêu chí nên đời sống của nhân dân đã dần khởi sắc.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: Ngay khi có chủ trương của huyện lựa chọn là xã điểm, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, trong đó có huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể. Việc làm đầu tiên của Ban Chỉ đạo là làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân đồng thuận, tích cực đóng góp công sức cùng Đảng bộ và chính quyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí. Việc tuyên truyền về các nội dung xây dựng nông thôn mới được triển khai qua các cuộc họp xóm, họp chi bộ và được gắn vào với nội dung hoạt động cụ thể của các ngành, đoàn thể. Đơn cử như đối với Hội Phụ nữ xã đã thành lập được câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ với vệ sinh môi trường. CLB này cứ 3 tháng tổ chức họp 1 lần để tiến hành thu gom rác thải tại các trục đường liên thôn xóm, giữ gìn đường làng ngõ xóm sạch đẹp, dọn dẹp Nhà văn hóa. Hay CLB Yêu thích văn nghệ, thông qua các phong trào văn hóa, văn nghệ đã thu hút đông đảo chị em tham gia, góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết thi đua lao động sản xuất và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

 

Ngoài ra, để huy động sức dân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tằng, xã đã triển khai thực hiện tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và không, ỷ lại hoàn toàn vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Từ năm 2009 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đã đối ứng được hơn 9 tỷ đồng để cứng hóa hơn 30km đường nông thôn và hoàn thiện 5km kênh mương nội đồng. Ông Đỗ Văn Long, Trưởng xóm Thành Lập cho biết: Thấy được lợi ích, ý nghĩa của việc xây nông thôn mới, bà con xóm tôi rất tích cực tham gia. Từ năm 2006 đến nay, xóm tôi đã làm được hơn 1.500m đường bê tông. Trước khi bắt đầu làm, chúng tôi đã tổ chức họp để lấy ý kiến nhân dân và thành lập Ban thanh tra để giám sát việc xây dựng. Vì thế, người dân trong xóm đã ủng hộ và tự nguyện đóng góp bằng nhiều hình thức như: hiến đất làm đường, góp tiền, ngày công để xây đường liên thôn, kênh mương nội đồng và các công trình văn hoá. Có con đường mới sạch đẹp, việc đưa công cụ sản xuất ra đồng, vận chuyển phân bón, trao đổi hàng hóa nông sản được thuận lợi hơn. Ngoài ra, xóm còn tiến hành quy hoạch một số điểm thu gom rác tập trung, vận động bà con giữ vệ sinh môi trường, không vứt rác thải bừa bãi. Hàng năm, xóm có trên 85% số hộ đạt gia đình văn hóa. Xóm hiện chỉ còn 3/180 hộ nghèo. Tỷ lệ số hộ khá, giàu chiếm 1/3.

 

Xã Hồng Tiến cũng xác định, thay đổi bộ mặt nông thôn không chỉ đơn thuần là việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở khang trang, mà điều quan trọng là đời sống của người dân phải được cải thiện và nâng cao. Vì vậy, xã đã chú trọng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích bà con đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Hằng năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức được trên 25 lớp tập huấn cho trên 1 nghìn lượt người tham gia. Toàn xã có hơn 1.370 ha đất nông nghiệp tương đối chủ động được về nguồn nước tưới nên ngoài 2 vụ lúa, bà con còn gieo trồng cây màu vụ đông, góp phần nâng cao thu nhập. Anh Nguyễn Văn Phú, người dân xóm Thành Lập cho biết: Trước đây, nhà tôi thường cấy 2 vụ lúa, sau đó bỏ đất không. Vài năm trở lại đây, được tham gia các lớp tập huấn, ngoài cấy lúa, tôi còn trồng 2 vụ rau màu các loại như: Khoai tây, su hào, súp lơ... Năm nay, do chăm sóc tốt, 1,5 sào su hào của gia đình tôi cho củ rất to.

 

Với giá bán hiện tại là 2 nghìn đồng/củ, ước tính sẽ cho thu khoảng gần 5 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Với bà con nông dân chúng tôi, hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới chính là việc đẩy mạnh đưa những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Hồng Tiến cũng đang phát triển theo hướng gia trại, trang trại cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Tổng đàn gia súc của xã duy trì ở mức hơn 13 nghìn con và phát triển đàn gia cầm với trên 80 nghìn con. Hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô lớn đều đầu tư xây hệ thống chuồng và làm bể chứa biôga để xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường.

 

Nhờ việc huy động sự đóng góp của nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay đời sống người dân Hồng Tiến đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 5,1%, giảm 12% so với năm 2005. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,8 triệu đồng/người/năm. Hệ thống trường học, trạm y tế đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. 15/15 xóm có nhà văn hóa. 90% tuyến đường liên thôn xóm và 90% hệ thống kênh mương trong toàn xã đã được bê tông hóa.

 

Qua rà soát, hiện nay, xã Hồng Tiến còn 7 tiêu chí chưa đạt, cần phải phấn đấu thực hiện, đó là: Cơ sở văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, cơ cấu lao động và môi trường. Đây là nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hồng Tiến đang nỗ lực để đạt được vào năm 2015.