Phúc Xuân khơi nguồn sức dân

11:15, 29/08/2013

“Khi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc mình làm, họ sẵn sàng đóng góp sức người, sức của. Vì vậy, muốn huy động được sức dân, công tác dân vận luôn đòi hỏi phải đổi mới về hình thức và phương pháp.” - Đồng chí Trần Hải Đăng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Nếu như trước kia, khi Đảng ũy xã Phúc Xuân tiếp nhận công văn, chỉ thị của cấp trên rồi biên soạn lại và gửi xuống cơ sở, thì nay được Đảng ủy xã tổ chức họp, quán triệt các nội dung cơ bản, sau đó phát tài liệu để các đại biểu nghiên cứu kỹ và phân công cán bộ về từng xóm, tuyên truyền, phổ biến. Đi đôi với hình thức này, Thường trực Đảng ủy xã tiến hành biên soạn thống nhất nội dung tuyên truyền rồi cho đọc loa tại cụm truyền thanh các xóm, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu và tránh hiểu sai. Đồng chí Vũ Sỹ Dư, Bí thư chi bộ xóm Giữa II tâm sự: “Trình độ dân trí ở nông thôn không đồng đều, công việc đồng áng vất vả, văn bản bây giờ lại có nhiều thuật ngữ, cụm từ theo chuyên ngành, nên không nghiên cứu kỹ dễ bị hiểu sai và tuyên truyền cho nhân dân rât khó. Đơn cử như cụm từ: “hỗ trợ giải phóng mặt bằng”, nếu không nghiên cứu kỹ, bà con lại hiểu sang “đền bù giải phóng mặt bằng...”. Hoặc như chuyện: Đất ở, đất sản xuất có trước, mốc lộ giới có sau, dân lại chưa hiểu hết về mốc lộ giới là gì, tim đường xác định từ đâu... khi cần mở rộng đường thì nhiều hộ rất lúng túng. Một số hộ nhận được thông báo là “vi phạm” lộ giới, hành lang, họ cũng không biết hoặc không nhớ “vi phạm” từ khi nào, nên khi thực hiện lập tức vấp phải sự phản ứng của dân. Từ thực tế này, cán bộ xã, cán bộ Mặt trận đã đến tận nơi giảng giải và vận động, khi nhân dân hiểu, lập tức bà con tự giác tháo dỡ công trình, giải phóng mặt bằng. Cũng từ thực tế này, công tác vận động quần chúng nhân dân được thay đổi hoàn toàn, giảm văn bản hành chính mà tăng cường đối thoại trực tiếp, cán bộ luôn gần dân, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ mới thực hiện các công việc tiếp theo”. Với cách làm này, nhiều hộ dân trong xóm đã tự giác tháo dỡ các công trình, bàn giao cho đơn vị thi công hàng trăm mét vuông đất để bảo đảm thực hiện kịp tiến độ làm đường phục vụ Festival Trà Quốc tế Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ nhất năm 2011. Đầu năm 2013, xóm cũng đã vận động được nhân dân đồng thuận chuyển gần 1.000m2 đất ao hồ làm sân chơi cho Trường mầm non của xã.

 

 

Trở lại thời điểm năm 2011, khi thực hiện giải phóng mặt bằng làm các công trình phục vụ Festival Trà Quốc tế Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ nhất, xã Phúc Xuân chỉ có một tháng để giải phóng mặt bằng, trong khi đó hơn 70 hộ dân xóm Cao Trãng phải di dời, mà khu tái định cư thì chưa hoàn thiện... Có thể nói đây là bài toán khó khi mà cuộc sông nhân dân bị xáo trộn, thời gian thực hiện công việc di dời rất ngắn. Lúc này, công tác dân vận đóng vai trò hết sức quan trọng. Đồng chí Trần Hải Đăng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã nhớ lại: Với tinh thần hết sức khẩn trương, một mặt địa phương tích cực vận động, bám sát từng hộ dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh cuộc sống cụ thể từng hộ, mặt khác tìm mọi chính sách, cơ chế và hình thức giúp đỡ tốt nhất để hỗ trợ nhân dân. Khi nhân dân thấy được ý nghĩa lớn lao của sự kiện chính trị tại địa phương, thấy được giá trị lớn lao của sự kiện chính trị tại địa phương đã đồng tình ủng hộ. Chỉ khi cán bộ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, đối thoại với nhân dân mới tạo được sự hiểu biết, cảm thông và đồng thuận…”.

 

Nhờ cách làm sâu sát, cụ thể, hướng về cơ sở và tăng cường sinh hoạt dân chủ trực tiếp trong công tác dân vận, xã Phúc Xuân đã thu được những kết quả đáng khích lệ: Toàn xã hiện đã có gần 10km đường liên xóm được bê tông hóa; 100% xóm có nhà văn hóa được xây dựng kiên cố, trạm y tế, hệ thống trường học đều đã được xây cao tầng kháng trang, sạch đẹp, trong đó có một trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia; trên 70% kênh mương nội đồng được cứng hóa... Hầu hết các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng đều có sự đóng góp công sức, tiền bạc của nhân dân. Với một xã thuần nông, thu nhập bình quân mỗi nhân khẩu đến nay mới đạt trên 16 triệu đồng/năm, thu ngân sách mới đạt trên 600 triệu đồng/năm mà hàng năm (từ 2010 đến nay) huy động sức dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng được từ 600 đến 700 triệu đồng, là một nỗ lực rất đáng ghi nhận tróng đó công tác dân vận đóng vai trò quan trọng.