Nhiều nguy cơ mất an toàn lao động trên các công trình xây dựng

08:35, 14/09/2015

Xây dựng được đánh giá là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất hiện nay và thường xuyên được các ngành chức năng và các phương tiện truyền thông cảnh báo. Mặc dù vậy, tại các công trường xây dựng, không khó để bắt gặp hình ảnh những giàn giáo lắp ghép tạm bợ, công nhân đi dép lê, mặc áo cộc tay, đội mũ mềm… hay hình ảnh công nhân vắt vẻo làm việc trên cao mà không có thiết bị bảo hộ an toàn.

“An toàn là trên hết” là khẩu hiệu thường thấy trên các công trường xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động trên các công trình xây dựng thường không như khẩu hiệu. Khảo sát tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy có không ít người lao động và chủ sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo hộ lao động khi thi công.

 

Theo quy định, đối với những công trình xây dựng cao tầng phải được trang bị giàn giáo vững chắc với đầy đủ các thiết bị như thang, chòi nâng, sàn treo, lưới bảo hộ… Công nhân làm việc trên cao phải được trang bị và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc như: dây an toàn, quần áo, giày, mũ bảo hộ… Thế nhưng, trên thực tế ít công trình đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn trên. Thậm chí, tại một số công trình xây dựng, giàn giáo đã han rỉ, lỏng lẻo hoặc đơn giản giàn giáo chỉ bằng dăm ba cọc gỗ, vài tấm ván ghép lại với nhau chênh vênh, tạm bợ để công nhân có thể làm việc trên độ cao hàng chục mét trong hàng giờ đồng hồ với lỉnh kỉnh xô chậu, gạch, đá mà không có bất cứ một thiết bị bảo hộ nào, hay chí ít là một sợi dây cột vào người để đề phòng tai nạn.

 

Tại công trường xây dựng Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc do nhà thầu Công ty CP đầu tư và xây lắp Tây Hồ (Hà Nội) thi công trên đường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), bên cạnh các công nhân được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động vẫn còn một số công nhân để đầu trần, mặc quần cộc, áo phông và đặc biệt nguy hiểm là không hề có dây bảo hiểm khi đứng làm việc chênh vênh ở độ cao khoảng 15m. Tại công trình xây dựng siêu thị và văn phòng cho thuê do Công ty TNHH Phương Nhung làm chủ đầu tư trên đường Lê Quý Đôn (T.P Thái Nguyên), hàng chục công nhân xây dựng trên nóc mái tầng hai nhưng không hề được trang bị bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. Trong khi để “thuận lợi”, một số công nhân khi di chuyển giữa các tầng thường dùng tay đu giữa giàn giáo trong tình trạng không có dây bảo hiểm và có thể rơi xuống từ độ cao hơn 10m. Tương tự như vậy, tại công trường xây dựng nhà cao tầng giữa số nhà 287 và 289 đường Phan Đình Phùng, một tốp công nhân làm việc tại độ cao khoảng 15m nhưng không hề có trang bị bảo hộ lao động khi làm việc. Công trường thi công này cũng không hề có lưới bảo hộ cho công nhân thi công trên cao. Thậm chí, trong quá trình đổ bê tông sàn, nhiều công nhân dùng tay không đu người qua lại giữa các tầng để làm việc…

 

Sự cẩu thả khi thi công được người lao động giải thích với chúng tôi một cách hết sức chủ quan như: “quen rồi” hay “lo gì”, “thiếu trang bị nhưng chúng tôi cẩn thận lắm”… Còn người sử dụng lao động thì tìm cách né tránh câu hỏi của phóng viên với đủ các lý do khác nhau. Sự rủi ro, nguy hiểm trên các công trình xây dựng cao tầng tưởng như có lẽ ai cũng rõ. Tuy nhiên, vì công việc mưu sinh cộng với tâm lý chủ quan, những người công nhân dường như cố tình không hiểu rằng tính mạng của họ có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào bởi những tai nạn bất ngờ. Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 101 vụ tai nạn lao động với 103 người bị tai nạn trong đó, 15 vụ gây chết 17 người. Riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 34 vụ tai nạn lao động với 34 người bị tai nạn trong đó, 6 vụ gây chết 6 người.

 

Bà Đỗ Thị Huế, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, Sở đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp xây dựng. Qua đó, chúng tôi đánh giá có nhiều đơn vị xây dựng thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn đã được lập và phê duyệt theo quy định, có biện pháp chống ngã cao, có che chắn các vật rơi trên cao xuống; có biển chỉ dẫn, biển cảnh báo những nơi nguy hiểm; có nội quy làm việc, nội quy ATVSLĐ trên công trường, quy trình vận hành, thao tác các máy, thiết bị xây dựng; mặt bằng thi công gọn gàng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường xây dựng… Tuy nhiên, còn có một số đơn vị còn thiếu trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động khi làm việc; nhiều công nhân còn chưa chấp hành tốt nội quy về an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị… nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ khi thi công.

 

Trên thực tế, lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ tai nạn lao động nhiều nhất. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân chưa cao nên số vụ tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực xây dựng được thống kê còn rất thấp so với thực tế. Khi xảy ra tai nạn thì phần bồi thường của người sử dụng lao động chỉ là cảm tính mà chẳng theo quy định nào. Rất nhiều vụ tai nạn lao động trên các công trình xây dựng đã bị đơn vị thi công và người dân dàn xếp, xử lý riêng mà không báo cơ quan chức năng. Điều này không chỉ gây thiếu chính xác trong thống kê tai nạn lao động mà còn thiệt thòi đối với người lao động hoặc người thân khi họ không được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo quy định.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng: Chúng tôi vẫn xác định ngành xây dựng là ngành xảy ra nhiều tai nạn nhất. Bởi vì, xây dựng diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, từ những công trình trọng điểm của cả nước đến những công trình xây dựng khu công nghiệp, dân dụng... Đối tượng lao động tham gia cũng rất đa dạng và đông. Có những lực lượng xây dựng chính quy được đào tạo tương đối bài bản, nhưng cũng có rất nhiều lao động ở nông thôn tranh thủ khi nông nhàn tham gia vào xây dựng. Chính vì vậy, chúng tôi cũng xác định đây là lĩnh vực phải quan tâm, kiểm tra, xử lý nhiều hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo người lao động cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất an toàn lao động; các chủ sử dụng lao động cũng cần có thái độ nghiêm túc hơn trong công tác bảo đảm an toàn lao động để không chỉ giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động mà còn giúp đơn vị giảm chi phí khắc phục hậu quả do tai nạn lao động gây ra.