Y đức của người chiến sĩ

11:00, 07/10/2015

Với chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh ngoại chung (như các bệnh lý về tiêu hoá, tiết niệu, sản phụ khoa; cấp cứu về ngực và bướu cổ...), đã từ lâu, Khoa ngoại 2 (B2), Bệnh viện Quân y 91 (Cục Hậu cần Quân khu 1) trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy cho bộ đội, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến Khoa B2, Bệnh viện Quân y 91 khi đơn vị đang sôi nổi phong trào thi đua “30 ngày lập công quyết thắng” hướng về kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống LLVT Quân khu (16-10). Khắp các phòng, buồng điều trị, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí làm việc tận tình, trách nhiệm của người chiến sĩ áo trắng. Mặc dù vào ngày nghỉ, song các phòng bệnh, dọc các hành lang đều gọn gàng, sạch sẽ, cùng với sự ân cần, niềm nở của cán bộ y bác sĩ Khoa B2 đã tạo cho chúng tôi cảm giác thoải mái khi đặt chân đến đây. Qua tìm hiểu chúng tôi biết, hiện toàn Khoa chỉ có 7 cán bộ, nhân viên (3 bác sỹ, 4 y tá), nhưng thường xuyên phải đảm nhiệm việc điều trị cho 30-40 bệnh nhân, thời kỳ cao điểm có lúc lên tới 50 bệnh nhân, bởi vậy mà cường độ làm việc của đội ngũ bác sỹ, y tá trong khoa luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, do Bệnh viện đang trong quá trình đầu tư nâng cấp cải tạo, các phòng ban, khoa đều phải dồn dịch, ở ghép, nên công tác khám, điều trị của Khoa cũng rất chặt chội và khó khăn. Vất vả là vậy, thế nhưng không hề có một lời kêu ca, phàn nàn, mà mỗi cán bộ, nhân viên luôn giành toàn tâm, toàn ý với công việc

 

Trung tá, Bác sĩ Đặng Minh Đức, quyền Chủ nhiệm Khoa cho biết: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm lo sức khỏe con người, bên cạnh tay nghề chuyên môn cao, Khoa luôn coi trọng việc giáo dục, nâng cao phẩm chất y đức của người thầy thuốc. Bởi có nhận thức đúng, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, thì mỗi cán bộ, nhân viên của Khoa không những sẽ tự giác đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, điều trị cho người bệnh, mà còn khắc phục triệt để những biểu hiện thờ ở, vô cảm trước khó khăn, sự đau đớn của bệnh nhân”. Đến đây, câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi có bệnh nhân đến hỏi bác sĩ Đức về tình trạng sức khoẻ của mình và ngày được xuất viện. Bằng giọng nói ân cần, bác sĩ Đức nhẹ nhàng giải đáp từng thắc mắc của bệnh nhân.

 

Anh Nguyễn Văn Toản, ở xã Đồng Tiến không ngần ngại tâm sự với chúng tôi: “Tôi vào đây mổ và điều trị được hơn 1 tuần rồi nhưng là lần đầu tiên tôi điều trị tại Bệnh viện Quân đội; được các bác sĩ, y tá chăm sóc rất nhiệt tình, chu đáo, hướng dẫn cụ thể, tỷ mỉ nên tôi cũng thấy đỡ khó khăn, vất vả trong quá trình điều trị. Quan trọng hơn, chính những tấm lòng của những người thầy thuốc quân đội nơi đây đã giúp tôi xóa bỏ mặc cảm trong suy nghĩ về thái độ, cử chỉ của y, bác sĩ các bệnh viện bên ngoài mà bấy lâu nay tôi được chứng kiến. Ra viện, nhưng tôi sẽ nhớ mãi tấm lòng của các y bác sĩ nơi đây”. Để có được những đánh giá, sự tin cậy và tình cảm yêu mến đó của người bệnh, chúng tôi biết đó là sự nỗ lực, hết lòng vì bệnh nhân của các “từ mẫu” Khoa B2.  

 

Đặc biệt, từ khi thực hiện công tác điều trị và chăm sóc cho người bệnh theo nhóm đến nay đã tạo thành thói quen gắn chặt trách nhiệm của mỗi bác sĩ, y tá với người bệnh, theo đó, hàng ngày, từ 6 giờ sáng các bác sĩ, y tá đã chủ động đi kiểm tra, thăm khám nhóm bệnh nhân được phân công, để kịp báo cáo  tình hình sức khỏe của người bệnh với  lãnh đạo Khoa trong phiên giao ban, giao ca đầu giờ. Là người nhiệt tình, trách nhiệm và luôn chiếm được tình cảm quý mến của người bệnh, y tá Trần Thị Thắm đã được các bệnh nhân ví như “Cô tấm” của Khoa. Bằng giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, chị Thắm chia sẻ: “Tôi luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy về đạo đức nghề y và luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc của mình, đó cũng là gửi gắm tình cảm, đáp lại sự tin tưởng, yêu mến đến mỗi bệnh nhân”.