Một ngày cuối tháng 4-2017, những thành viên thuộc Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh - Sư đoàn 470 từ khắp các tỉnh, thành cả nước tìm về Thái Nguyên để ôn lại kỷ niệm một thời binh lửa. Mỗi người một miền quê, từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa…nhưng họ đều từng được biên chế trong cùng một đơn vị, trực tiếp đánh địch, vận chuyển vũ khí và đảm bảo giao thông trên tuyến cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh.
Trong buổi gặp mặt hôm đó, câu chuyện được mọi người chia sẻ nhiều nhất chính là kỷ niệm về trận đánh đầu tiên ở Sư đoàn 470 của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Thắng - nguyên Giám đốc Công ty CP Xi măng Cao Ngạn.
Ông Thắng kể: Đó là thời điểm đầu năm 1972, tôi đang là lính của Tiểu đoàn 94 pháo cao xạ, đơn vị phòng không thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559, được lệnh hành quân vào vùng ngã ba Đông Dương để bổ sung lực lượng cho Sư đoàn 470. Đơn vị chia thành hai nhánh để hành quân ròng rã trong vòng 3 tháng liên tục. Mỗi ngày đi từ 8-10 tiếng đồng hồ, nhiều lần phải hành quân trong đêm, vượt qua các trọng điểm địch đánh phá. Tiểu đoàn Pháo cao xạ 94 tham gia chiến dịch trong mùa khô này có nhiệm vụ tiêu diệt máy bay địch, nghi binh, thu hút hỏa lực nhằm đảm bảo cho xe vận chuyển hàng của ta trên đường bộ và đường sông.
Trận đánh đầu tiên của ông Thắng cùng Tiểu đoàn 94 tại khu vực Km104 đường 49A. Đây là tuyến đường huyết mạch của bộ đội ta nhằm chi viện cho chiến trường B3 Tây Nguyên, Hạ Lào, Nam bộ và Campuchia. Đặc thù trận địa là khu đất trống chủ yếu là cỏ tranh, đơn vị công binh đã khéo léo ngụy trang và làm các đoạn đường tránh, kéo những xe tải bị cháy về xếp dọc hai bên đường để nghi binh. Tiểu đoàn có nhiệm vụ thu hút máy bay địch để tiêu diệt, tạo điều kiện để các đoàn xe vận tải của ta nhanh chóng vượt qua.
Nhớ lại buổi trưa ngày 31-1-1972, ông Thắng kể: Hôm đó, tôi vừa bắt đầu ngồi vào bữa cơm thì nghe đồng chí Hoàng trinh sát thông báo, có địch di chuyển vào khu 104, tiểu đoàn báo động. Lập tức, tôi chạy về sở chỉ huy thông tin để truyền lệnh của Tiểu đoàn trưởng cho các đại đội hướng nòng pháo, nhả đạn vào tốp máy bay đầu của địch. Tiểu đoàn khi đó gồm 3 đại đội. Đại đội 1do anh Tĩnh chỉ huy đánh rất mạnh, đẩy máy bay địch lên cao. Chúng liền chuyển hướng bắn phá vào sở chỉ huy và trận địa của Đại đội 3.
Ông Trần Văn Quả (sinh năm 1943, hiện trú tại T.P Thái Bình), nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 3 kể: Đại đội tôi lúc đó nhận nhiệm vụ bố trí trận địa tại khu vực địa hình không thuận lợi. Bãi đất rất trống trải, dễ phát hiện nên địch lao vào đánh rất ác liệt. Ngay loạt bom đầu đã có một vài chiến sĩ bị thương. Cứ 20-30 phút lại có một đợt máy bay địch, đánh phá liên tục từ giữa trưa đến gần 5 giờ chiều. Tuy bị bắn rát, nhưng tinh thần chiến đấu của anh em rất dũng cảm. Rất may khi địch dừng đánh phá, chúng tôi kiểm tra cơ số đạn pháo của đơn vị cũng chỉ còn những viên cuối cùng.
Ông Nguyễn Bá Tiệp (sinh năm 1945, hiện ở Phú Xuyên, T.P Hà Nội) khi đó làm trợ lý quân khí cho Tiểu đoàn 94, với nhiệm vụ bám sát các đơn vị để sửa chữa vũ khí. Tại thời điểm chiến sự diễn ra, ông đang ở Đại đội 3 để hỗ trợ. Ông Tiệp nhận định: Tôi tham gia quân ngũ từ năm 1964, trải qua nhiều chiến trường khác nhau nhưng trận đánh trên đường 49A hôm đó là khốc liệt nhất. Bởi địch đánh liên tục và sử dụng nhiều loại bom đặc thù. Trong đó phải kể đến bom vướng. Đây là loại bom bé như cái chén uống nước, dài gần 1m, khi thả chạm đất sẽ có dây bắn ra xung quanh như mạng nhện, chỉ cần động nhẹ vào sẽ phát nổ. Để phá bom, bộ binh phải làm áo giáp bằng hòm đạn quây kín người rồi dùng gậy thật dài khua đê kích nổ bom. Chính trong trận đánh này, ông Tiệp đã bị thương khi đang chuyển đạn. Một mảnh bom lớn găm vào chân khiến ông mất rất nhiều máu, phải chuyển về vùng hậu cứ điều trị.
Trong những cựu chiến binh tham gia buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Mộc (ở Quế Võ, Bắc Ninh) là người nhiều tuổi nhất. Năm nay ông 81 tuổi và nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 2. “Tham gia trận đánh, quân số của Đại đội 2 do tôi chỉ huy có gần 80 chiến sĩ. Kết thúc ngày 31-1, địch tạm nghỉ tấn công một ngày rồi tiếp tục đánh phá vào 2-2. Sáng đó, tôi quyết định đi tìm địa điểm để bố trí trận địa mới. Việc chỉ huy chiến đấu giao cho đồng chí Thiện Đại đội phó. Trong trận đánh này, Thiện đã chỉ huy đánh địch rất tốt và bị thương khi đang làm nhiệm vụ. Nhiều chiến sĩ của tôi đã anh dũng hy sinh”. - Ông Mộc ngậm ngùi kể.
Trở lại với nhiệm vụ của Nguyễn Mạnh Thắng. Với vai trò là trực tổng đài và đảm bảo thông tin giữa sở chỉ huy với các đại đội, ông đã vượt qua mưa bom, bão đạn của địch để trực tiếp dải hết 6km đường dây giúp liên lạc được thông suốt. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông đã bị sức ép của bom địch hất văng xuống hố nhưng may mắn thoát chết. Với thành tích xuất sắc trong trận đầu cùng đơn vị, ông Thắng được tuyên dương và tặng một cuốn sổ bìa nilong, giấy trắng không có dòng kẻ. Trong cuốn sổ có ghi: “Thủ trưởng Tiểu đoàn 94 tặng thưởng cho đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng đã có thành tích trong trận chiến đấu ngày 2-2-1972 tại Km104. Ký tên Tiểu đoàn trưởng Phạm Bảy”.
Trận chiến đấu tại Km104, quân ta đã bắn hạ một máy bay F4 ở gần biên giới Campuchia. Sau khi mở chiến dịch 1972, Tiểu đoàn 94 tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ đường 49 từ Tà Ngâu đến Xiêm Pạng và bắc đường 19. Sau đó, đơn vị được điều động bổ sung cho chiến trường B2, chiến đấu ở miền Đông Nam bộ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với những thành tích xuất sắc, Tiểu đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, nhưng với những người lính thuộc Tiểu đoàn 94, trận đánh tại Km104 đường 49A để lại nhiều kỷ niệm nhất. Với riêng ông Nguyễn Mạnh Thắng, đã hơn 40 năm trôi qua nhưng cuốn sổ được tặng thưởng hôm đó vẫn được ông giữ gìn cẩn thận. Ông tâm sự: Cuốn sổ đã trở thành tri kỷ, là động lực để tôi tu dưỡng, rèn luyện trong học tập, công tác và giữ gìn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.