Từ lốp ô tô, bình đựng nước, chai nhựa, ống kẽm, xích sắt…qua trí tưởng tượng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các bạn đoàn viên, thanh niên đã trở thành những món đồ chơi hấp dẫn, lành mạnh cho trẻ em nông thôn trong những ngày hè. Từ lốp ô tô, bình đựng nước, chai nhựa, ống kẽm, xích sắt…qua trí tưởng tượng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các bạn đoàn viên, thanh niên đã trở thành những món đồ chơi hấp dẫn, lành mạnh cho trẻ em nông thôn trong những ngày hè. è. Cách làm này đã tận dụng được nguồn nguyên vật liệu qua sử dụng và hỗ trợ tích cực cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em của Đoàn Thanh niên xã Hóa Trung (Đồng Hỷ).
Trận mưa rào ào tới rửa sạch những khoảng sân ở xóm núi Đồng Chăn, La Thông, La Đành… của xã Hóa Trung (Đồng Hỷ). Những nhóm thanh niên trong màu áo xanh kéo về điểm trung tâm Nhà văn hóa để phân loại phế liệu sau thu gom rồi chuyển cho các tay thợ sáng chế. Người hàn, người sơn, người bắt vít nhịp nhàng và khẩn trương kịp hoàn thiện từng loại sản phẩm. Bí thư Huyện đoàn Lê Thị Thanh Mai hào hứng vào chuyện: “Năm nào Huyện đoàn cũng triển khai chương trình Hè tình nguyện cho Đoàn Thanh niên của toàn bộ 15 xã, thị trấn, nhưng chủ đề mỗi năm một khác. Năm nay, Huyện đoàn lựa chọn công việc mới là gom vật liệu phế thải, rồi phân loại và tái chế thành các món đồ chơi cho trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn. Lễ ra quân tình nguyện được lồng ghép với chủ đề làm sạch môi trường và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng ngay tại khu dân cư”.
Chúng tôi cùng Bí thư Đoàn xã Hóa Trung Bùi Bé Song đến nhà văn hóa xóm La Đành cũng là lúc các bạn đoàn viên bàn giao cho xóm các hạng mục, sản phẩm đồ chơi cho thiếu nhi. Em Nông Ngọc Hoa, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên là người ở xóm về nghỉ hè đã nhận phụ trách tái chế vật liệu làm đồ chơi, kiêm luôn phụ trách sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng của xóm, cho biết: “Do được học nghề cơ khí, em đã phối hợp với các xưởng cơ khí tại địa phương, huy động thanh niên gom các đồ phế liệu về tái chế thành các món đồ chơi ngoài trời cho các em nhỏ. Tất cả đều là tự nguyện và tình nguyện, mỗi người cắt cử luân phiên tham gia hoạt động từ 1-2 ngày công/tuần. Kết quả là sau 20 ngày chúng em đã có được gần chục sản phẩm là xích đu, con nhún, xà đơn… Tất cả đều lấy từ phế liệu, sau khi vệ sinh sạch sẽ mới cắt, gọt, hàn, sơn thành vật dụng hữu ích. Mọi năm địa phương cũng có một số đồ chơi cho trẻ em, nhưng không đủ và ít chủng loại, nên các em nhanh nhàm chán và dễ bỏ đi chơi lêu lổng, không an toàn”.
Nhẩm đếm, rồi Bí thư Bé Song thông tin: “Những món đồ chơi này các bạn làm giá trị 7 triệu đồng, nhưng nếu đi mua ngoài thị trường phải mất gần 20 triệu đồng. Tất cả là những vât liệu bỏ đi, nhưng sau phân loại, tái chế nó sẽ trở nên có giá trị nhất định, như: lốp xe ô tô, ống kẽm chống han gỉ, xích sắt, bình, can nhựa... Điều thú vị hơn, các anh, chị đoàn viên còn huy động được cả phụ huynh, các em thiếu niên cùng tham gia làm, tạo không khí vui tươi, gắn kết, trách nhiệm”.
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, hiện còn nhiều nơi đời sống nhân dân vẫn khó khăn, nên để trẻ có một sân chơi an toàn hợp với lứa tuổi là rất ít. Theo khảo sát của 18 cơ sở đoàn trong toàn huyện có đến trên 65% số cơ sở thuộc diện xã miền núi, vùng sâu vùng xa và xã thuộc vùng ATK, trong đó hầu hết các khu dân cư mới chỉ có nhà văn hóa, còn các điều kiện về sân chơi, bãi tập, hoạt động văn hóa, thể thao… chưa có, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhằm phát huy vai trò xung kích tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Huyện đoàn đã triển khai kế hoạch xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi từ những vật liệu tái chế. Sau khi có kế hoạch được các đoàn viên hưởng ứng nhiệt tình. Phong trào đã thu hút sự tham gia của đoàn viên thanh niên ở 15 xã, thị trấn. Đến nay cả huyện đã thực hiện được 17 điểm có thiết bị đồ chơi cho trẻ em từ vật liệu tái chế, đạt giá trị trên 80 triệu đồng, chiếm trên 42% so với chỉ tiêu mà Tỉnh đoàn giao cho Đoàn các địa phương thực hiện trong năm 2019.
Những đồ chơi bắt mắt, độc đáo, an toàn, phù hợp với lứa tuổi kích thích sự phát triển vận động, tư duy sáng tạo của trẻ. Đây chính là thành quả từ sự lao động sáng tạo, phát huy nội lực của tuổi trẻ trong toàn huyện chung tay chăm lo giáo dục, rèn luyện cho thiếu niên, nhi đồng. Qua đó, tổ chức Đoàn cơ sở đã phát huy được sức trẻ, sự nhiệt huyết, sáng tạo của thanh niên trong việc tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội.