Hòa chung với phong trào thi đua yêu nước, 5 năm qua, các cấp hội chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực, huy động các nguồn lực chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, giúp các đối tượng này có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Duệ, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Phát huy vai trò “cầu nối” nhân đạo, trong giai đoạn 2015-2020, các phong trào thi đua được Hội CTĐ tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện với phương châm bám sát đối tượng, địa bàn, gắn phong trào thi đua của Hội với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp hội thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tạo môi trường trợ giúp phát triển bền vững mang tính cộng đồng, huy động nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia để chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống…
Một trong những hoạt động nổi bật của Hội CTĐ là công tác cứu trợ xã hội. Để cụ thể hóa nội dung này, các cấp hội đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động, phong trào thi đua thiết thực, ý nghĩa như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; Dự án “Ngân hàng bò”; cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; mô hình “Bếp ăn tình thương”; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà nhân đạo...
Nhờ được hỗ trợ bò theo Dự án “Ngân hàng bò”, gia đình anh Nguyễn Xuân Sinh (bên phải), ở xóm Vẽn, xã Bình Long (Võ Nhai) đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Kết quả trong 5 năm, các cấp hội đã huy động được trên 162 tỷ đồng để trao trợ giúp cho trên 316 nghìn lượt người yếu thế trong xã hội. Cụ thể, các cấp hội đã vận động tặng 122 nghìn suất quà, tặng trên 5.500 chiếc bánh chưng xanh từ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; hỗ trợ sửa chữa, xây mới 473 nhà nhân đạo; hỗ trợ 250 con bò từ dự án “Ngân hàng bò”; gắn trên 3.257 địa chỉ nhân đạo cho người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, toàn Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà (bằng các nhu yếu phẩm, vật dụng gia đình…) cho trên 50 nghìn lượt đối tượng…
Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân dựa vào cộng đồng được Hội duy trì thực hiện đều đặn, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 380 đợt khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho trên 67 nghìn đối tượng người nghèo, người cao tuổi, gia đình chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của dân tộc. Đặc biệt, phong trào hiến máu trên toàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân, đưa Thái Nguyên là một trong những địa phương tiêu biểu trong cả nước trong phong trào hiến máu nhân đạo. 5 năm qua, toàn tỉnh có 240.000 lượt người tham gia hiến máu, thu được gần 122.000 đơn vị máu hiến. Từ đó góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện, kịp thời cấp cứu người bệnh.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình nhân đạo, tiêu biểu có thể kể đến như:“Bếp ăn tình thương” tại các bệnh viện; Dự án “Ngân hàng bò” (Võ Nhai); Đội bác sĩ tình nguyện (T.P Thái Nguyên); Đội cứu hộ cứu nạn, cứu hộ sông Đào (Phú Bình); Mô hình thanh niên hiến máu tình nguyện CTĐ tỉnh... Nhiều mô hình mới được thành lập với các tên gọi và hoạt động nhân đạo đa dạng, phong phú, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân như: Câu lạc bộ (CLB) Trái tim vàng, CLB cắt tóc thiện nguyện, CLB thiện nguyện FC36, (đá bóng gây quỹ từ thiện); Thùng quỹ nhân đạo; CLB Liên gia đình, CLB Bác sĩ tình nguyện và các nhóm tình nguyện viên, nhóm vì cộng đồng; đội cứu trợ khẩn cấp; đội tuyên truyền CTĐ… đã hình thành và phát triển ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh để giúp đỡ thêm nhiều lượt người, trên nhiều phương diện khác nhau.
Từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, như: Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) mỗi năm ủng hộ hàng chục triệu đồng cho hoạt động xã hội; cán bộ, giáo viên, sinh viên các trường đại học, trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh mỗi năm hiến trên 15.000 đơn vị máu góp phần cứu chữa nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Cùng với đó, hàng chục nghìn thanh, thiếu niên CTĐ ở các trường đã chung tay góp vào thùng gạo tiết kiệm, nuôi lợn nhựa tiết kiệm để giúp đỡ bạn nghèo. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp (như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, các doanh nghiệp thành viên Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh…) mặc dù sản xuất, kinh doanh có lúc còn gặp khó khăn nhưng mỗi năm đã trích hàng trăm triệu đồng để thông qua Hội CTĐ hỗ trợ cho các bếp ăn tình thương, giúp đỡ trẻ em tàn tật, người già cô đơn, hỗ trợ xóa nhà dột nát cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Với những việc làm đầy ý nghĩa, ấm áp tình người, mang tính nhân đạo sâu sắc, hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ Hội CTĐ đã đóng góp có hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động nhân đạo, từ thiện, chăm lo có hiệu quả cho các đối tượng xã hội đặc thù, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.: