Thanh, kiểm tra được coi là một trong những giải pháp để nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Vì vậy, riêng trong năm 2020, ngành Y tế Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức hơn 270 đoàn liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này.
Từ thực tế hiện nay cho thấy, bảo đảm vệ sinh ATTP là mong muốn của người dân. Bởi, thực phẩm “bẩn” ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Ths.BS Lê Duy Đạo, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Sử dụng thực phẩm “bẩn” có chứa chất độc hại về lâu dài có thể dẫn đến mắc các bệnh ung thư, bệnh mạn tính. Trường hợp nhẹ hơn thì ngộ độc thực phẩm dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, nếu không cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Chỉ riêng 6 ngày Tết Tân Sửu 2021, Khoa đã tiếp nhận trên 150 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.
Để từng bước ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, thời gian qua, ngành Y tế Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; tập trung kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt. Đặc biệt là việc lưu thông buôn bán, sử dụng Salbutamol và VAT Yellow trong hoạt động chăn nuôi. Theo đó, trong năm 2020, ngành Y tế và các lực lượng chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra 6.667 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó đã phát hiện 1.118 cơ sở vi phạm. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý cảnh cáo đối với 811 cơ sở và xử lý phạt tiền đối với 307 cơ sở. Tổng số tiền phạt lên đến trên 260 triệu đồng. Trong đó, có 12 sản phẩm của 6 cơ sở đã bị đình chỉ lưu hành.
Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Lỗi vi phạm của các cơ sở chủ yếu là chế biến, kinh doanh thực phẩm ở môi trường vệ sinh không bảo đảm, điều kiện vệ sinh chung tại cơ sở chưa đạt yêu cầu; chưa thực hiện lưu mẫu thức ăn 24 giờ, chưa lập sổ ghi kiểm thực ba bước theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, nhiều cơ sở còn sản xuất, chế biến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Qua việc thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, đồng thời các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo quy định pháp luật… Có thể thấy không chỉ là dịp để tuyên truyền cho đối tượng vi phạm hiểu rõ các quy định của pháp luật về ATTP, các đợt thanh, kiểm tra góp phần răn đe những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực này.
Bảo đảm ATTP lâu nay vẫn là vấn đề đáng lo ngại, trong đó mối lo lớn nhất đối với cơ quan quản lý và người tiêu dùng là hệ thống giám sát ATTP cấp cơ sở có thật sự hoạt động hiệu quả? Qua các đợt thanh, kiểm tra cho thấy, tình trạng mất ATTP chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra và tái kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, những cơ sở đã bị xử lý vi phạm. Cùng với đó là tăng cường thanh tra đột xuất, kiểm soát nhóm nông sản nguy cơ cao về mất ATTP, nhất là đối với nhóm nông sản tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh…
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn phải bảo đảm ATTP là yêu cầu tất yếu được đặt ra hiện nay. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, ngành Y tế và các lực lượng chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông bảo đảm ATTP; triển khai các lớp đào tạo, tập huấn, các lớp truyền thông nói chuyện chuyên đề về ATTP...