Giải mã nhân vật bí ẩn chỉ huy lực lượng cận vệ K9B

Phan Thái (TP. Thái Nguyên) 12:11, 20/01/2023

Ernst Frey là một người Áo gốc Do Thái, từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông có tên Việt Nam là Nguyễn Dân. Năm 31 tuổi, Nguyễn Dân được phong quân hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và được bổ nhiệm làm Khu trưởng khu 9B, hay gọi khác đi là Chỉ huy trưởng các đơn vị bảo vệ Khu căn cứ Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Dân chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1948. (Ảnh tư liệu)

Nhiều năm trước đây, khi tìm hiểu về lịch sử vùng ATK Việt Bắc, tôi được một số bà con kể lại sự việc hai cô con gái của một vị chỉ huy cận vệ của Trung đoàn 246, từ Áo sang thăm lại những nơi cha mình từng công tác.

Năm 2014, Nhà xuất bản Tri thức mới ấn hành cuốn sách của Ernst Frey “Việt Nam, tình yêu của tôi” ghi lại tình cảm của ông tại Việt Nam trong kháng chiến. Tôi rất xúc động khi đọc cuốn sách, nhưng vẫn băn khoăn, bởi đó chỉ là ghi chép từ một phía, không có cơ sở kiểm chứng. 

Gần đây, qua các cựu chiến binh, tôi tìm gặp được Đại tá Giáp Ngọc Giới, nguyên Trưởng ban Biên soạn lịch sử và tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị trong các cuộc kháng chiến của Quân khu 1 (hiện sinh sống tại thôn Um Ngò, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) và được ông cung cấp những thông tin cần thiết. Từ hồ sơ tài liệu và kỷ niệm của các cựu chiến binh Trung đoàn 246 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân vật bí ẩn chỉ huy lực lượng cận vệ Khu 9B dần sáng tỏ.

Ernst Frey sinh năm 1915, tại thành Vienna, thủ đô nước Áo, trong một gia đình gốc Do Thái. 19 tuổi, Ernst Frey gia nhập tổ chức Thanh niên Cộng sản Áo. Bấy giờ, chủ nghĩa phát xít đang chiếm ưu thế ở Áo và Đoàn Thanh niên Cộng sản là phong trào thanh niên chống chủ nghĩa phát xít quan trọng nhất. 

Tháng 3/1938, Áo bị sát nhập vào nước Đức Quốc xã. Nhiều thành viên Đoàn Thanh niên Cộng sản bị bắt, bị hành quyết. Frey trốn được sang Thụy Sĩ. Sau đó, ông tìm cách đến Pháp. Tuy nhiên, lúc này nước Pháp đã tuyên chiến với Đức. Tình thế đã đẩy Ernst Frey vào binh đoàn Lê dương và cùng với đội quân này sang Algeria. Từ đây, đơn vị của ông được điều sang chiến trường Đông Dương.

Ernst Frey được biên chế vào Trung đoàn bộ binh hải ngoại số 5, trú đóng tại Việt Trì. Tại đây, ông làm quen được với những người cùng chí hướng, và cho ra đời chi bộ Đảng Cộng sản của họ - một tổ chức do Ernst Frey sáng lập và “phụ trách chính trị”. Ernst Frey tìm cách liên lạc với Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cuộc tìm kiếm ấy, ông được tiếp xúc với “đồng chí Phong” và năm 1944 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám  1945, Ernst Frey mới biết, “đồng chí Phong”  chính là Tổng Bí thư Trường Chinh.

Chính Tổng Bí thư Trường Chinh đã vạch kế hoạch nhằm “giải thoát” Ernst Frey và các bạn chiến đấu của ông ra khỏi quân đội Pháp, chuyển sang hoạt động cho cách mạng Việt Nam. Một chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên trong hàng ngũ binh lính Lê dương Pháp được Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập, gồm Ernst Frey và hai người có chung cảnh ngộ bị phát xít Đức khủng bố, phải chạy sang Pháp, sau đó bị ép buộc đi lính Lê dương. 

Khi Nhật đảo chính Pháp, cả 3 người bị quân Nhật bắt làm tù binh đưa lên giam ở Hòa Bình. Tháng 9/1945, Ernst Frey từ trại giam đã tìm về Tòa soạn báo Cờ giải phóng của Đảng, gặp đồng chí Trường Chinh, xin gia nhập Việt Minh. Đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp phân công công tác cho Ernst Frey và “những người Việt Nam mới” đầu tiên trong lực lượng Việt Minh. 

Thoạt đầu, Ernst Frey công tác trong cơ quan báo chí của Đảng. Khi biết Ernst Frey từng qua đào tạo về quân sự ở Áo, đồng chí Võ Nguyên Giáp giao làm công tác huấn luyện quân sự cho bộ đội. Để tránh bị kẻ địch theo dõi, đồng chí Võ Nguyên Giáp gợi ý Ernst Frey đặt tên là Nguyễn Dân. Khóa học ngắn ngày đầu tiên gồm 200 người, do đồng Vương Thừa Vũ và Nguyễn Dân lãnh đạo, mở tại một địa điểm ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Sau Tổng tuyển cử, theo đề nghị của tướng Nguyễn Sơn, Nguyễn Dân tháp tùng ông lên đường vào Quảng Ngãi. Trong thời gian ở Khu 4, Nguyễn Dân được tướng Nguyễn Sơn giao nhiệm vụ chỉ huy quân ta chặn đánh quân Pháp tại đèo An Khê.   

 

Nguyễn Dân được phong hàm đại tá năm 31 tuổi, là một trong những đại tá đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau đó, ông còn được giao nhiều nhiệm vụ khác, trong đó có thời gian làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Tháng 11/1947, Pháp tấn công căn cứ địa Việt Bắc hòng tiêu diệt toàn bộ lực lượng Việt Minh. Trung ương quyết định lập Khu 9B trong vùng ATK với nhiệm vụ quân sự hàng đầu là bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, Nguyễn Dân được giao nhiệm vụ làm Khu trưởng Khu 9B (gọi theo mật danh là K9B).

Nguyễn Dân cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chuyện riêng tại một căn nhà sàn trong cánh rừng ATK. Đầu năm 1948, phái đoàn từ Nam Bộ ra Việt Bắc để trao đổi ý kiến nhằm tăng cường ý chí thống nhất của dân tộc, Nguyễn Dân được cử tham gia ban đón tiếp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. 

Mùa hè 1948, sau khi Trung đoàn 246 được thành lập làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, Nguyễn Dân lại được điều động về Khu 4 làm phó cho Tư lệnh Nguyễn Sơn. Năm 1950, ông được triệu tập ra Việt Bắc dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II. Không những là đại biểu chính thức, ông còn là người nước ngoài duy nhất tham dự và được phát biểu ý kiến trước Đại hội. 

Năm 1950, ông hoàn thành nhiệm vụ và trở về Áo. Trước khi lên đường ông nhận được thư của Bác Hồ viết bằng tiếng Pháp: “Đồng chí Nguyễn Dân thân mến, tôi rất tiếc là không thể đến bắt tay đồng chí trước khi đồng chí ra đi. Dù ở đây hay ở nơi nào khác, tôi chắc rằng đồng chí sẽ đem hết khả năng của mình phục vụ cho sự nghiệp của chúng ta”.

Trở về Áo, Ernst Frey (Nguyễn Dân) đã chiến đấu không mệt mỏi cùng các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước ở xứ sở này cho nền độc lập, tự do.

Năm 1992, ông nhận được tấm bưu thiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lá thư hồi đáp, ông đã thể hiện những dòng tâm huyết, trong đó có đoạn: “Việt Nam là quê hương tôi..., nó cũng là đất nước duy nhất mà tôi sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”.

Ông mất năm 1994 tại Vienna. Bức thư của Bác Hồ, bưu thiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chứng minh thư đặc biệt của Bộ Quốc phòng cấp cho Đại tá Nguyễn Dân và nhiều vật lưu niệm khác được ông và gia đình gìn giữ như những kỷ vật quý giá.

Nhớ về người chỉ huy của mình, ông Nguyễn Ngọc Oanh, cựu chiến binh Trung đoàn 246, trong bài “Nhớ về đồng chí Nguyễn Dân, Khu trưởng Khu 9B in trong cuốn “Những kỉ niệm về Trung đoàn cận vệ 246” do Nhà xuấn bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2008 đã viết: “Cuối năm 1947, tôi đang công tác tại Cục tình báo thì nhận được quyết định sang tăng cường cho Khu 9B. Đại tá Nguyễn Dân lúc đó là Khu trưởng Khu 9B sau khi xem giấy tờ đã sắp xếp tôi làm trinh sát cho ban tham mưu Khu 9B. Từ đó tôi hàng ngày được tiếp xúc với Nguyễn Dân. Tuy cấp cao như vậy nhưng ông rất gần gũi với lính cận vệ. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng hát và xem văn nghệ với chiến sĩ…”

Trong những điều kiện bảo mật nghiêm ngặt để bảo vệ căn cứ địa, nhiều hoạt động tại Khu 9B còn ít người biết. Những bí ẩn về Ernst Frey (Nguyễn Dân) hiện đã được giải mã. Cống hiến của ông cho cách mạng Việt Nam là điều chúng ta cần ghi nhớ, tri ân với tất cả sự trân trọng.