Bài 4: “Khoán 10” trong xây dựng Đảng

17:02, 06/02/2012

“Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình vì cách nhìn thẳng vào thực trạng trong Đảng hiện nay, đi sâu mổ xẻ những vấn đề cấp thiết. Trong ba vấn đề thực sự cấp bách, cần làm ngay mà Tổng Bí thư nhấn mạnh, tôi đặc biệt tâm đắc nội dung: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị” - TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng Trường Cán bộ TPHCM, chia sẻ với PV

  • Quyền lực càng tuyệt đối thì sự tha hóa càng tuyệt đối!

* PV: Trong Đảng cũng đã có nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, qua đó cũng phân định rõ vai trò của người đứng đầu và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, với thủ trưởng cơ quan, đơn vị?

* TS NGUYỄN VIỆT HÙNG:
Việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc này, đã bao hàm giá trị và giải quyết mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy với tập thể cấp ủy và giữa người đứng đầu cấp ủy với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tuy nhiên, điểm đáng nói là thời gian qua, việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ở một số nơi đã không thực hiện nghiêm. Vai trò cá nhân của người đứng đầu bị hiểu một cách lệch lạc và có nơi tuyệt đối hóa vai trò của người đứng đầu đó, trái với nguyên tắc tập trung dân chủ.

TS Nguyễn Việt Hùng.

* Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp ủy hiểu chưa đúng hay làm chưa đúng?

* Thật ra nguyên nhân hiểu chưa đúng hoặc làm chưa đúng các nguyên tắc đã có của Đảng dẫn đến quan niệm mặc nhiên biến đồng chí Bí thư cấp ủy thành người quan trọng nhất, người số 1, người đứng đầu theo nghĩa là thủ trưởng để chỉ đạo trực tiếp là nguyên nhân phụ. Đáng bàn nhất ở đây là sự tha hóa về quyền lực chứ không phải là sai lầm của cá nhân phụ trách. Quyền lực càng tuyệt đối thì sự tha hóa càng tuyệt đối! Từ đó người ta sử dụng quyền lực của tổ chức biến thành của cá nhân và tự cho mình quyền ban phát quyền lực đó cho người khác, nhất là liên quan đến công tác tổ chức cán bộ. Người này được tập thể tín nhiệm, giao trọng trách và họ biến sự tín nhiệm đó thành quyền lực cá nhân để ban phát cho người khác. Đó là biểu hiện mà đồng chí Tổng Bí thư đã nói là rơi vào “vũng lầy tệ hại của chủ nghĩa cá nhân”.

* Nhưng quy chế làm việc trong cấp ủy có rồi?

* Người ta nói 20 năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ (giờ họp nhân sự), bao nhiêu năm phấn đấu không bằng được cơ cấu một lần, tức cơ cấu vào cấp ủy. Có vào cấp ủy thì mới vào những cương vị khác được. Vì, có những cương vị bên chính quyền phải là ủy viên ban chấp hành, thành viên cấp ủy. Vì vậy, ngoài nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách thì phải xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy. Nhiều nơi đã thực hiện nhưng phải nghiên cứu lại xem có phù hợp hay không. Có quy chế, lại phải có sự giám sát. Giám sát của ai? Đó là của cấp ủy cấp trên, của cấp ủy cùng cấp, của ủy ban kiểm tra và đặc biệt là sự giám sát của tập thể đảng viên, quần chúng trong việc thực hiện quy chế. Ngoài ra, còn quy chế làm việc giữa cấp ủy với chính quyền, quy chế làm việc giữa cấp ủy với MTTQ và các đoàn thể… Các quy chế này phải được công khai và quy định rõ vai trò của người đứng đầu, từng thành viên của cấp ủy một cách minh bạch, rõ ràng.

    • Cần cải cách hành chính trong Đảng

 

 

 

* Lâu nay, có hiện tượng là thành tích thì nhận, khuyết điểm, sai lầm thì không biết tìm và quy trách nhiệm cho ai. Minh bạch quy chế làm việc và vai trò người đứng đầu đồng nghĩa với việc tìm ra “địa chỉ” người chịu trách nhiệm chính?

* Lâu nay vẫn tồn tại thực tế là thành tích thì ai cũng thấy, ai cũng có thể nhận là của mình nhưng khi để xảy ra sai sót, khuyết điểm thì tìm không ra người chịu trách nhiệm chính bởi họ sẽ nói rằng tôi chỉ thực thi nghị quyết của cấp ủy thôi chứ không phải ý kiến của cá nhân tôi. Trong thực tế, khó kỷ luật cả một ban thường vụ, cấp ủy. Riêng trong lãnh đạo, điều hành thì có vai trò cá nhân để chịu trách nhiệm cụ thể. Chúng ta phải minh bạch điều này.

* Nghĩa là phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và cải cách hành chính trong Đảng?

* Đó là điều phải làm nhanh. Hiện nay ở ta vẫn tồn tại một số đồng chí lãnh đạo hay chỉ đạo bằng miệng. Chỉ đạo hay thì mọi người được nhờ, không hay thì mọi người ở cơ sở dễ phải gánh hậu quả. Nên mới có câu nói vui “sáng sửa, chiều sai, mai lại sửa” là thế. Đã vậy, sửa xong rồi lại sai, mai lại nghĩ chuyện sửa tiếp. Nên người ta hay gọi đó là tư duy nhiệm kỳ, “tân quan tân chính sách”. Chúng ta không chạy theo chủ nghĩa quan liêu nhưng đã chỉ đạo thì cần phải bằng văn bản. Đảng lãnh đạo bằng chỉ thị, nghị quyết và phải đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách lãnh đạo, cải cách hành chính trong Đảng, để vai trò của tập thể và cá nhân rõ ràng, minh bạch, không bị nhầm lẫn.

  • Nói ít, làm nhiều

* Đồng chí có suy nghĩ gì sau hơn 10 năm, Đảng ta lại có một nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

* Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng và chỉnh đốn Đảng đang là vấn đề cấp bách. Việc đặt vấn đề và giải quyết như vậy là rất trúng và rất đúng. Tất cả những gì Hội nghị Trung ương 4 đặt ra lần này không phải là hoàn toàn mới vì Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương khóa VII năm 1992 đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Trong nhiệm kỳ khóa VIII có nghị quyết Trung ương 6 A, là một nghị quyết đề cao tinh thần đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng quyết liệt. Nhưng khoảng cách giữa nghị quyết và cuộc sống, giữa quan điểm và việc làm, giữa lời nói và hành động vẫn còn chưa có sự thống nhất. Nghị quyết đã có đủ, chỉ cần thực hiện. Hiện nay, theo tôi, toàn đảng, toàn quân, toàn dân đang theo dõi xem sau khi nghị quyết đã triển khai thì từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương rồi đến các đồng chí trong thường vụ cấp ủy, cấp ủy ở các địa phương cho đến cơ sở sẽ tiến hành tự phê bình và phê bình như thế nào. Có làm đúng tinh thần quyết liệt hay không và có đáp ứng kỳ vọng của nhân dân về 3 khâu đột phá mang tính cấp bách, sống còn của công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng hay không.

* Nếu không làm quyết liệt, chỉ làm cho có để “đâu lại vào đó” thì hậu quả khó lường?

* Tôi cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống hiện nay là nghiêm trọng chứ không phải nhỏ. Nếu hàng năm xử lý từ 30.000 - 40.000 đảng viên (dù chỉ chiếm 1%-1,2% tổng số đảng viên cả nước) nhưng con số nói trên vẫn là rất lớn. Trong số đó đáng chú ý có rất nhiều cán bộ trung, cao cấp, nhiều người đứng đầu cấp ủy. Tác hại đối với chế độ, với tổ chức là rất lớn. Mất của mất người đã đau, mất niềm tin của nhân dân với đảng là không thể xem thường. Chưa kể, tiêu cực diễn ra ở tất cả các ngành các cấp, các tỉnh thành. Đảng viên trong 4 cấp của Đảng đều có sai phạm, không lĩnh vực nào không có. Quyết tâm của chúng ta đã rõ rồi, giải pháp cũng rõ rồi, giờ chỉ còn là cách làm thôi!

 
 
"Phải tạo ra một bước ngoặt như “Khoán 100” hay “Khoán 10” (cách gọi tắt của Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 10 ban hành vào các năm 1981, 1988, nói về việc khoán các sản phẩm nông nghiệp cho người dân), từ đó mới có một nền nông nghiệp rực rỡ như hiện nay, đưa nước ta từ một nước nghèo đói lạc hậu, nhập khẩu lương thực thành một nước xuất khẩu gạo. Hay phải tạo được hiệu ứng rõ rệt như Đại hội VI - đại hội mà qua đó đã làm thay đổi toàn diện xây dựng Đảng của chúng ta"

TS Nguyễn Việt Hùng