Các nhà khoa học đã tạo ra một chiếc cửa sổ thực sự cho thấy hoạt động sống của các cơ quan nội tạng của chuột, bao gồm gan, thận và ruột.
Khi các khối u ác tính bị di căn, các tế bào ung thư tách ra từ khối u ban đầu, theo máu lan truyền sang những cơ quan khác, tại đó chúng tụ tập lại tạo thành một khối u thứ hai. Rất tiếc là người ta hiểu chưa nhiều về quá trình di chuyển các tế bào ung thư do không quan sát được sự lan truyền của chúng trong cơ thể.
Những phương pháp hiện đại nhất, ví dụ kính hiển vi huỳnh quang photon chỉ thâm nhập được vào độ sâu của các mô không quá 0,5-1mm - là quá nhỏ để có thể quan sát được vị trí xuất hiện khối u thứ hai, ở gan chẳng hạn.
Các nhà khoa học tại Viện Ung thư học và nghiên cứu tế bào gốc mang tên Hubrecht (tại Utrecht, Hà Lan) đã tìm ra một giải pháp rất cơ bản của vấn đề này. Họ cấy một cánh cửa nhỏ xíu, cỡ 12 mm bằng thuỷ tinh khung titan vào vùng bụng của chuột thí nghiệm. Như vậy họ đã tạo ra một chiếc cửa sổ thực sự cho thấy hoạt động sống của các cơ quan nội tạng của chuột, bao gồm gan, thận và ruột.
Việc “hành hạ” con chuột tỏ ra không vô ích. Nhờ chiếc cửa số đó, các nhà y học trong 2 tuần liền đã quan sát được sự di cuyển của tế bào ung thư, đã đánh dấu từ trước bằng chất màu phát quang. Từ đó đã dẫn đến một số phát minh quan trọng.
Ví dụ họ trước khi các tế bào ung thư đã tìm được một vị trí để “đóng quân” rồi tập trung lại thành một khối u mới, chúng bắt đầu “lượn thành vòng tròn, vạch ranh giới cho địa điểm “hạ trại” tương lai. Trước đây không ai nghĩ rằngcác tế bào ung thư lại có thể thực hiện một “vũ điệu nghi thức” trước khi “xây dựng” một khối u mới (mà người ta cũng chưa rõ nguyên nhân).
Chính “vũ điệu” ấy đã cung cấp thông tin để người ta chống lại các “vũ công” ác tính. Khi các nhà y học thấy được hiện tượng này, họ đưa vào chuột các loại thuốc ngăn cản khả năng di chuyển các tế bào ung thư, nhờ vậy đã chặn đứng được số khối u thứ hai và làm tốc độ tạo ra một khối u mới giảm xuống rõ rệt.
Chỉ còn lại một vấn đề nhưng không lớn lắm: Kết quả quan sát sinh học của loài chuột không hẳn là hoàn toàn đúng đối với loài người. Việc vận dụng vẫn cần kiểm tra lại từ đầu. Giá trị của phát hiện tạm coi là mới chỉ khẳng định rằng có thể mở ra một cửa sổ để nhìn vào ổ bụng (mà không cần phải phanh hẳn bụng ra), từ đó biết được rất nhiều chuyện về sự xuất hiện và tiến triển của các bệnh tật trong nội tạng của con người.
Có thể đọc tỉ mỉ hơn về quá trình hành hạ những con chuột nhân danh khoa học trên Tạp chí Science Translational Medicine.