Triển vọng mô hình trồng sắn bền vững trên đất dốc

09:00, 10/11/2015

Hiện nay, diện tích trồng sắn của toàn tỉnh khoảng 4 nghìn ha, năng suất trung bình 154 tạ/ha, sản lượng 57.000 tấn. Tuy nhiên người dân vẫn chủ yếu trồng vẫn theo phương thức quảng canh, nên năng suất thấp, đồng thời còn làm đất bị rửa trôi bạc màu, hoang hóa.

Nhằm tăng năng suất sắn, bảo vệ đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà vẫn đem lại hiệu quả cao cho người trồng sắn, năm 2015 được sự giúp đỡ của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình canh tác sắn bền vững tại 2 huyện Phú Bình và T.P Sông Công.

 

Mô hình được triển khai từ tháng 3-2015, trồng giống sắn KM94, với 3 điểm trình diễn, tổng diện tích 31,5ha, cho 135 hộ nông dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình ngoài được hỗ trợ 100% về giống, 50% vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc do dự án chuyển giao. Theo đó, ngoài cây sắn người dân sẽ trồng kết hợp với đậu tương, lạc, đỗ... trên đất dốc.

 

Bà Trần Thị Lan, xóm Long Vân, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) - người tham gia Dự án chia sẻ: Gia đình tôi có 9 sào đất dốc, do đất nghèo chất dinh dưỡng nên những năm trước gia đình chỉ trồng một ít sắn phục vụ chăn nuôi, còn lại bỏ hoang hóa. Được sự giúp đỡ thực hiện mô hình, toàn bộ diện tích trên đã được gia đình cải tạo trồng hết sắn, đồng thời trồng xen canh lạc, hiện lạc đã cho thu hoạch gần 1 tấn củ, còn sắn phát triển rất tốt.

 

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay cây sắn sinh trưởng phát triển tốt, không có sâu bệnh phá hoại, nên tỷ lệ sống đạt trên 95%, với chiều cao cây trung bình: 1,7m, đường kính tán 0,7m. Bước đầu đánh giá của các hộ tham gia mô hình trồng sắn cho biết: Sắn cao sản KM94 dễ trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt so với giống địa phương đang trồng thì vượt trội hơn hẳn. Bên cạnh việc đánh giá sự phát triển, sinh trưởng. Trung tâm Khuyến nông cũng đánh giá cơ hội cho nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, bảo quản nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mà vẫn bảo vệ được đất, chống xói mòn.

 

Qua kiểm tra thực tế mô hình trồng sắn bền vững trên đất dốc cũng cho thấy, các hộ tham gia đã tuân thủ đúng kỹ thuật mà mô hình đề ra như hàng cách hàng 1m, cây cách cây 80cm và trồng xen các cây bộ đậu, lạc…  nhằm cải tạo đất duy trì độ ẩm và trả lại chất hữu cơ cho đất, giữ cho đất không bị bạc màu. Ước tính, năng suất sắn bình quân sẽ đạt khoảng 36 tấn/ha so với công thức sắn lá tre trồng thuần đạt 28 tấn/ha thì cao hơn 8 tấn/ha. Ngoài sắn, mỗi ha có thể thu thêm trung bình 17,2 tạ lạc. Với phương pháp trồng này sẽ cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất rất tốt. Việc trồng xen kẽ các loại cây dài ngày và ngắn ngày cũng giúp người dân tận dụng đất, tăng năng suất cây trồng, xây dựng được hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc, cung cấp, dự trữ được nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc.

 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Kết thúc dự án, những cán bộ và nông dân được đào tạo hoàn toàn có thể tiếp tục tuyên truyền kiến thức để người dân mở rộng diện tích đạt năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt trên diện rộng. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp với các huyện Phú Bình, T.P Sông Công tiếp tục tổ chức hội thảo, tổng kết đánh giá kết quả mô hình trồng sắn bền vững, từ đó khuyến cáo nhân rộng và phát triển cây sắn trên địa bàn toàn tỉnh, giúp nông dân có hướng đi đúng trong phát triển nông, lâm nghiệp và canh tác bền vững trên đất dốc.