Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu vũ trụ New Horizons đã thực hiện chuyến bay xa nhất trong lịch sử khi tiếp cận được vật thể Ultima Thule ở rìa hệ Mặt trời. Đây là khoảng cách gần nhất đối với hệ Mặt trời mà tàu vũ trụ của NASA tiếp cận được.
Vào lúc 5h33’ giờ GMT (tức 12h33’ giờ Việt Nam), tàu New Horizons đã ở cách bề mặt của vật thể Ultima Thule khoảng 3.540 km với tốc độ bay là 50.694 km/h.
Ultima Thule ở cách Mặt trời 6,4 tỷ km và cách sao Diêm Vương 1,6 tỷ km, là vật thể xa nhất mà một tàu vũ trụ từng bay qua cho đến thời điểm này.
Ultima Thule nằm trong vành đai Kuiper, một tập hợp các hành tinh nhỏ, thiên thạch và vụn băng còn sót lại sau khi hệ Mặt trời hình thành từ 4,6 tỷ năm trước. New Horizons đã bay xa đến nỗi các nhà khoa học không có cách nào sửa chữa nếu tàu xảy ra trục trặc. Tất cả đều phải phụ thuộc vào phần mềm tự động trên tàu khi có sự cố.
"Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời, là một bước tiến vĩ đại nữa trong việc khám phá hệ Mặt trời của chúng ta", ông Hal Weaver, Giáo sư tại Đại học John Hopkins, thành viên nhóm nghiên cứu dự án New Horizons, cho biết.
Ultima Thule không chỉ là vật thể xa nhất, mà thậm chí là cổ xưa nhất từng được con người phát hiện. Các nhà khoa học cho biết Ultima Thule là độc nhất vô nhị bởi nó là tàn tích từ thuở sơ khai của hệ Mặt Trời và có thể đem lại câu trả lời về nguồn gốc các hành tinh. Vật thể này đang ở trong tình trạng đóng băng sâu đến mức gần như bảo toàn nguyên dạng cấu trúc ban đầu.
Việc tiếp cận được vật thể này này mở ra hy vọng về việc tìm hiểu quá trình các hành tinh được hình thành. Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học có cái nhìn rõ ràng hơn về hệ Mặt trời.
Tàu thám hiểm sẽ chụp 900 bức ảnh trong quá trình bay qua Ultima Thule. Hình ảnh sớm nhất sẽ được gửi về trong 3 ngày tới.