Thiết lập mã số vùng trồng lúa ở Phú Bình: Triển vọng đa lợi ích

09:02, 27/07/2022

Là một vựa lúa của tỉnh, Phú Bình có nhiều cánh đồng “bờ xôi ruộng mật”, cho năng suất và sản lượng hằng năm khá cao. Thêm vào đó, bà con nơi đây cần cù, chịu khó học hỏi kỹ thuật,  áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy, năm 2022, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã chọn Phú Bình để xây dựng mã số vùng trồng lúa đầu tiên của tỉnh với diện tích 20,2ha, tập trung ở 3 xã: Dương Thành, Xuân Phương và Tân Khánh.

Cùng chúng tôi đi thực tế tại cánh đồng xã Xuân Phương, Dương Thành, chị Ma Thị Thúy Phương, cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, chia sẻ: Giống lúa được lựa chọn tham gia mô hình xây dựng mã số vùng trồng là nếp Thầu Dầu với diện tích 10ha tại xã Xuân Phương và xã Tân Khánh, còn lại là giống J02 tại xã Dương Thành. Trước khi triển khai mô hình, chúng tôi tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con quy trình sản xuất nghiêm ngặt, từ khâu chọn giống, gieo cấy, bón phân, quản lý dịch hại, kiểm soát nguồn nước, vật tư... Ngoài ra, bà con phải ghi nhật ký nông hộ để giám sát thời gian xuống giống, bón phân, phun thuốc, thu hoạch. Đặc biệt, các loại vật tư được sử dụng trong mô hình phải nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sử dụng trên cây lúa.

Bà Nguyễn Thị Liên, một người dân tham gia mô hình, ở xóm Núi, xã Dương Thành, cho biết: Trong vụ mùa, nhà tôi cấy gần 1 mẫu giống lúa J02. Trước đây, chúng tôi chủ yếu sản xuất theo thói quen, khi cấy xong là phun thuốc diệt cỏ, rồi bón phân vô tội vạ, vừa lãng phí lại vừa ảnh hưởng tới môi trường. Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chúng tôi bắt đầu thay đổi tập quán canh tác. Cụ thể, trước khi cấy, chúng tôi dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, bắt ốc bươu vàng và không phun thuốc trừ cỏ. Ngoài ra, các khâu chăm sóc chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ sâu bệnh gây hại.

Chúng tôi được biết, ban đầu, khi mới họp dân để triển khai mô hình, bà con rất băn khoăn vì lo sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ không đạt năng suất như canh tác thông thường. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền đã có hơn 100 hộ sẵn sàng tham gia.

Toàn bộ quá trình sản xuất lúa gạo J02 và nếp Thầu Dầu được thực hiện theo quy trình xây dựng mã số vùng trồng, không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu.

Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân cũng luôn nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật của các đơn vị chuyên môn. Cụ thể, các đơn vị cung ứng vật tư cũng đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Anh Nguyễn Đăng Thực, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Biotech (Hà Nội), thông tin: Hiện nay, giá các loại phân bón tăng cao, vì vậy, bà con nên sử dụng phân bón lá công nghệ nano Biotech HD02 để giảm lượng phân bón gốc, giảm chi phí sản xuất. Cụ thể, đối với loại phân này, bà con tiến hành phun 3 lần: Lần 1 sau khi cấy từ 5 đến 7 ngày, giúp cây đẻ nhánh khỏe, chống nghẹt rễ; lần 2 khi cây bắt đầu đẻ nhánh và phun lần 3 khi cây bắt đầu vào đòng sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ, sinh trưởng tốt trong mọi điều kiện thời tiết bất lợi, hạt chắc mẩy.

Chị Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho hay: Trước đây, khi chưa tham gia mô hình, các hộ dân mạnh ai nấy làm, mẫu mã, chất lượng lúa gạo cũng không đồng đều. Tuy nhiên, sau khi liên kết sản xuất theo mã số vùng trồng, bà con đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và cách khắc phục những vấn đề gặp phải trong sản xuất, giúp tạo ra sản phẩm với chất lượng đồng đều hơn, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời gian tới, Trung tâm cũng sẽ liên kết với các đơn vị để tiêu thụ sản phẩm thóc, gạo của nông dân, từ đó hình thành các chuỗi giá trị bền vững.

Có thể thấy, việc xây dựng mã số vùng trồng cho lúa gạo không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Ngoài ra, mô hình còn góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong việc canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất bền vững.