Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chương trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới xây dựng, phát triển toàn diện chính quyền số, xã hội số và nền kinh tế số. Với vai trò đầu mối, Viễn thông Thái Nguyên (VNPT Thái Nguyên) đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện chương trình CĐS. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc VNPT Thái Nguyên.
P.V: Trước hết, theo ông, chương trình CĐS mang lại những cơ hội và thách thức như thế nào đối với tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tỉnh Thái Nguyên có hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin hiện đại, rộng khắp; là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, với nhiều trường đại học, nguồn lực lao động chất lượng cao, thuận lợi về giao thương, có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp công nghệ cao... Với những thuận lợi đó, CĐS đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho tỉnh, tạo đà bứt phá trong giai đoạn mới.
Về thách thức, cần quan tâm đến một số vấn đề như: Nguồn nhân lực dẫn dắt thực hiện (bao gồm người đứng đầu các cấp và nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng lực cán bộ công chức, viên chức và người dân về kiến thức, kỹ năng cần thiết); nguy cơ lao động phổ thông mất việc làm do không đáp ứng các yêu cầu công việc; an toàn, an ninh mạng, dữ liệu, quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa; năng lực làm chủ công nghệ cốt lõi trong CĐS (Cloud, Bigdata, IoT, AI, Fintech,…) và nguồn tài chính để đầu tư, tiếp cận công nghệ mới.
P.V: Để tiến hành CĐS, VNPT Thái Nguyên đã có sự chuẩn bị như thế nào về hạ tầng số và công nghệ thông tin (CNTT) để triển khai thực hiện, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Về hạ tầng số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu tiếp tục được ưu tiên đầu tư, xây dựng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, chất lượng. Đến nay, hệ thống cáp quang băng rộng của VNPT đã được đầu tư đến các thôn, xóm, thông tin vệ tinh, di động được phủ sóng rộng khắp, đáp ứng yêu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Về CNTT, thời gian qua, VNPT đã xây dựng và làm chủ nhiều nền tảng công nghệ, hệ sinh thái số cốt lõi phục vụ CĐS như: Kết nối Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (BigData), điện toán đám mây (cloud), nền tảng thanh toán điện tử, trục liên thông văn bản quốc gia, dữ liệu dân cư quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia…; hệ sinh thái phục vụ chính quyền số (Cổng thông tin điện tử liên thông 4 cấp, quản lý văn bản điều hành, hệ thống một cửa điện tử, quản lý văn phòng điện tử không giấy tờ, quản lý công chức viên chức, hệ thống báo cáo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội…); hệ sinh thái các ngành giáo dục, y tế, nông nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường, du lịch; hệ sinh thái cho các doanh nghiệp (hợp đồng điện tử, chữ ký số, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử, quản trị nguồn nhân lực, kế toán, thương mại điện tử…). Cùng với đó là nhiều ứng dụng dành riêng cho người dân trên di động như app DigiLife, MyTV, VNPT Pay…
P.V: Là đơn vị được giao nhiệm vụ đồng hành, hỗ trợ tỉnh thực hiện Nghị quyết về chương trình CĐS, VNPT Thái Nguyên đã, đang và sẽ triển khai thực hiện nội dung này như thế nào? Kết quả bước đầu ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bám sát mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình CĐS, VNPT Thái Nguyên cùng với chính quyền các cấp xây dựng khung chính quyền số, các giải pháp, chương trình hành động cụ thể thực hiện CĐS tổng thể, đồng bộ, có hiệu quả. Cùng với các sở, ban, ngành xây dựng đề án CĐS đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030. Chúng tôi cũng tích cực phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh xây dựng chương trình CĐS cho doanh nghiệp trong quản trị cũng như phát triển kinh tế số. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, hỗ trợ đào tạo cho các tổ chức, người dân về kiến thức công nghệ phục vụ CĐS. Đặc biệt, VNPT Thái Nguyên luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực với các tiêu chí cụ thể đáp ứng được yêu cầu CĐS trong tình hình mới.
P.V: Tỉnh đặt ra mục tiêu sớm trở thành trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS. Theo nhìn nhận từ phía doanh nghiệp thực hiện, tỉnh cần có những điều kiện gì để triển khai CĐS thành công, đúng lộ trình?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Để triển khai CĐS thành công, đúng lộ trình, theo chúng tôi, tỉnh cần xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS cụ thể, đánh giá các lĩnh vực để ưu tiên CĐS, bố trí ngân sách phù hợp. Ưu tiên sử dụng phương án thuê dịch vụ để phát huy nguồn lực xã hội và giảm tải đầu tư lớn từ ngân sách. Xây dựng các bộ tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ CĐS như: chuyển đổi nhận thức; thể chế; phát triển hạ tầng; chất lượng dữ liệu CĐS; an toàn thông tin; chỉ số đánh giá về đạo tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng các cơ chế chính sách khai thác, chia sẻ, bảo vệ dữ liệu...
P.V: Xin cảm ơn ông!