Giữa đồi chè xanh bát ngát, ngôi nhà 2 tầng khang trang của gia đình ông Bàng Văn Thanh, xóm Khuôn Gà (Hùng Sơn-Đại Từ) càng trở nên nổi bật bởi màu sơn tím nhạt. Cả xóm không có nhà nào to đẹp như thế, ông Thanh rất tự hào, bởi đó là thành quả lao động mà ông đã có được bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.
Nay đã bước vào tuổi lục tuần, nhưng niềm say mê lao động vẫn nguyên vẹn trong con người ông. Ông nói: Một ngày vì lý do nào đó mà tôi không lao động là tôi cảm thấy bứt rứt không yên, lao động cho tôi sức khoẻ, niềm vui và cả gia đình nguồn thu nhập chính đáng. Hiện nay tổng thu nhập của gia đình ông chưa trừ chi phí là gần 200 triệu đồng/năm, nhờ vào phát triển mô hình kinh tế tổng hợp (trồng trọt, chăn nuôi, đào ao thả cá…)
Ông Thanh cho biết: Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, tôi cũng phải trải qua rất nhiều mô hình kinh tế khác nhau như trồng mận, mơ, vải, hồng… nay lại chặt bỏ để trồng cây sưa và cây gió bầu; nuôi lợn, nuôi gà, nay lại chuyển sang nuôi nhím. Có cây, con gì mới cho hiệu qủa kinh tế cao là tôi tìm hiểu, nghiên cứu đưa vào sản xuất, lúc đầu sản xuất nhỏ, sau thấy hiệu quả mới sản xuất lớn. Tôi không sợ khó mà chỉ sợ mình không có lòng kiên trì và quyết tâm để vượt qua khó khăn. Trước khi làm một việc gì tôi thường tìm đến những mô hình điểm ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, đọc qua sách báo và xem trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vừa làm vừa tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.
Xuất phát từ những suy nghĩ như vậy nên sản phẩm gia đình ông Thanh làm ra bao giờ cũng có giá bán cao hơn giá thị trường mà vẫn đắt khách. Như hiện nay giá chè trung bình là 30-50 nghìn/kg, nhưng nhà ông Thanh vẫn bán được 70-80 nghìn đồng/kg, loại ngon ông bán được giá 120-130 nghìn đồng/kg. Chưa bao giờ ông Thanh phải mang chè ra chợ bán, chè làm ra đến đâu bán hết ngay đến đó, có người muốn mua được chè của ông còn phải đăng ký, đặt tiền truớc. Cả xóm Khuôn Gà làm chè, nhưng khách hàng vẫn chỉ thích mua chè nhà ông Thanh. Tôi hỏi có bí quyết gì không, ông cười: Tôi không có bí quyết gì, cái quan trọng là từ khâu chăm sóc, thu hái, sao sấy, lên hương đều phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Hái chè đảm bảo 1 tôm 2 lá, không được để dập nát. Chè hái về đến đâu sao sấy ngay đến đó, không được phơi nắng, công đoạn nào cần nhiệt độ cao phải để cao, công đoạn nào cần để nhỏ lửa phải cho nhỏ lửa. Khâu lên hương cũng vậy quá tay một chút cũng hỏng, non tay một chút cũng hỏng, vừa làm vừa phải tự rút kinh nghiệm thôi.
Sau câu chuyện, ông Thanh đưa chúng tôi ra thăm những đồi chè xanh mướt tầm mắt rộng gần 1 ha. Vườn nhà ông mùa nào thức ấy, ngoài thu nhập chính từ chè, cây ăn quả, chăn nuôi, ông Thanh còn có hơn 3 ha rừng chàm đang ở tuổi thu hoạch. Thấy tiềm lực kinh tế gia đình ông vững vàng như vậy, tôi hỏi vui: Ông có thường giúp các hộ nghèo về vốn để sản xuất không?
-Ngày trước xóm tôi còn nghèo, tôi cho đến nửa xóm vay tiền ấy chứ, nay đời sống kinh tế của các gia đình đều đã khấm khá, nên không có ai cần phải vay tiền nữa!
Nghe câu nói đó của ông Thanh, chúng tôi ra về mang theo cả một niềm vui trọn vẹn.