Đó là suy nghĩ và cũng là việc làm thường ngày của bác Nguyễn Văn Diễm, 71 tuổi ở xóm Tân Sơn, xã Đào Xá, huyện Phú Bình.
Vì vậy, bác luôn nhận được sự tin tưởng, kính trọng không chỉ của nhân dân trên địa bàn xóm, xã mà cả các cấp lãnh đạo huyện Phú Bình.
Sau 33 năm công tác năm 1989 bác Diễm nghỉ chế độ, nhưng con người của công việc này đã không cho mình được nghỉ ngơi. Hiện nay, bác Diễm đảm nhiệm rất nhiều "vai" từ huyện tới xã, xóm như: Thành viên của Ban đại diện Hội người cao tuổi huyện; Uỷ viên Ban Thường vụ Hội cựu giáo chức huyện; Văn phòng dự án CLB dưỡng sinh kinh lạc Phú Bình; Uỷ viên Uỷ ban MTTQ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội người cao tuổi của xã; Phó Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá đình chùa Lũ Yên, Trưởng làng Lũ Yên (gồm 3 xóm Tân Sơn, Trám, Dẫy) từ năm 2003-2009. Ở cương vị nào, bác Diễm luôn phát huy tính tiên phong, gương mẫu, làm được nhiều việc mang lại lợi ích cho nhân dân.
Địa bàn xóm Tân Sơn nơi gia đình bác sinh sống phức tạp về tệ nạn ma tuý. Theo bác Diễm, hiện cả xã có 55 người nghiện có hồ sơ quản lý thì xóm Tân Sơn có tới 14 trường hợp người mắc nghiện. Tình trạng trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình hình trên, bác Diễm đã vận động các hội viên người cao tuổi tới từng nhà người nghiện tuyên truyền, vận động các đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự của xóm cũng dần ổn định.
Song về đời sống kinh tế của bà con hết sức khó khăn do giao thông, thuỷ lợi không phát triển, tỷ lệ hộ nghèo những năm trước chiếm trên 40%. Trước thực trạng trên, bác đã cùng bàn bạc với trưởng xóm, các trưởng đoàn thể (hầu hết là hội viên Hội cao tuổi của xóm) vận động nhân dân làm đường, làm thủy lợi. Ý tưởng của bác đưa ra đã nhận được sự đồng thuận cao từ các trưởng đoàn thể của xóm tới từng hộ dân. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2006 đến nay, toàn xóm đã đóng góp xây dựng được 1.040m kênh mương bê tông dẫn nước tưới 2 vụ lúa và 1 vụ đông cho trên 14 ha đất canh tác của xóm. Nhờ chủ động nước tưới nên năng suất cây trồng ngày một tăng, nếu như trước khi có hệ thống kênh mương kiên cố năng suất lúa trông chờ vào nước trời chỉ đạt trên 30 tạ/ha thì nay nâng lên trên 55 tạ/ha. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, hết năm 2010 toàn xóm còn 28% hộ nghèo.
Năm 2005, huyện có chủ trương làm đường dự án WB, với vai trò là Trưởng làng, uỷ viên Hội người cao tuổi của xóm, bác vận động các hội viên có đất bám sát trục đường liên xã Đào Xá - Bàn Đạt chạy qua trung tâm xóm hiến đất mở rộng đường. Dọc theo con đường 1,5 km, các hộ dân đã chủ động chặt cây cối, hoa màu lùi vào mỗi bên đường 2m để đường thông thoáng hơn. Số đất mà các hộ của xóm tự nguyện ủng hộ dự án không phải đền bù là trên 3000m2. Trong vai trò Phó Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá đình chùa Lũ Yên, mới đây bác đã vận động 24 hộ dân nằm dọc trục đường dài hơn 1km vào cụm đình chùa hiến trên 1.800 m2 đất mở rộng con đường. Riêng gia đình bác đã tự nguyện hiến hơn 200m đất vườn tạp, đồi bãi.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường cấp phối vào cụm di tích đình, chùa Lũ Yên bác Diễm bảo: "Nếu như đầu năm cô về đây thì sẽ thấy con đường này chỉ có thể đi bộ mà thôi. Hiện nay đường đã được mở rộng 6m, mọi phương tiện có thể đi lại thuận lợi, nhất là dịp làng tổ chức lễ hội vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hằng năm, bà con đỡ phải chen chúc vất vả để vào được đình, chùa thắp nén hương, vãn cảnh". Trên đường vào thăm cụm di tích đình, chùa Lũ Yên chúng tôi gặp bác Nguyễn Thị Tình, một trong những hộ hiến trên 150 m2 đất để mở rộng con đường. Trò chuyện bác Tình bảo: "Trước con đường này chỉ rộng khoảng 1,5m đi lại rất khó khăn. Khi bác Diễm tới từng nhà vận động, chúng tôi mới thấy hết lợi ích đầu tiên được hưởng chính là người dân địa phương. Vì thế, nhà tôi đã thu dọn hoa màu, chặt 20 cây bạch đàn để mở rộng con đường này". Không những vận động các hộ dân nằm dọc trục đường vào đình, chùa hiến đất mở rộng con đường, bác Diễm còn vận động được 4 hộ dân nằm sát di tích trả lại gần 1.800m2 đất đã lấn chiếm trước đây để xóm, xã có điều kiện tôn tạo cụm di tích đình, chùa cho tương xứng với di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Những việc mà bác Nguyễn Văn Diễm làm trong thời gian qua thật đáng ghi nhận. Gia đình bác có 7 người con đều được nuôi dưỡng học hành, thành đạt và có công ăn việc làm ổn định. Năm nay, khi đã bước qua tuổi thất thập song người dân trong xóm vẫn thấy bác ngày ngày có mặt trông nom cụm di tích đình, chùa, lên xã, huyện để làm các công việc của Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, câu lạc bộ dưỡng sinh. Mới đây, Hội chữ thập đỏ huyện ra mắt CLB cứu hộ cứu nạn thì bác lại "gánh" thêm trách nhiệm mới là Chủ nhiệm của CLB. Tấm gương hết lòng vì việc chung của bác Diễm thật đáng khâm phục.