Nghị lực của hai anh em khuyết tật

11:33, 07/04/2014

Chúng tôi đến xóm Giếng, xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên hỏi thăm hai anh em Hà Minh Hải và Hà Quốc Trung ai cũng tỏ ý khâm phục. Cả hai em đều bị khuyết tật nhưng có nghị lực phi thường.

Ông Hà Văn Liệu, bố của 2 em cho biết: Năm 1987 ông lập gia đình với bà Dương Thị Nghiêm, ba năm sau thì sinh được cháu Hải. Khi sinh ra, Hải hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng từ tháng thứ 3 vợ chồng ông phát hiện chân tay Hải phát triển chậm lại, cơ thể ngày một yếu dần. Vợ chồng ông cho Hải đi đắp thuốc, phục hồi chức năng khắp mọi nơi, mất rất nhiều tiền nhưng bệnh không thuyên giảm. Khi đưa về Bệnh viện Nhi Thụy Điển (Hà Nội) các bác sĩ ở đây cho biết: Hải bị bệnh teo cơ bẩm sinh không thể chữa được. 13 năm sau, ông bà Liệu  lại sinh thêm cháu Hà Quốc Trung với hy vọng đứa con sau sẽ lành lặn, khỏe mạnh. Nào ngờ 3 tháng sau, ông bà Liệu lại phát hiện Trung có biểu hiện giống như bệnh của Hải.

 

Bà Nghiêm kể: Nhà nông neo người, hai cháu lại đau yếu thường xuyên, vợ chồng tôi luôn phải cắt cử nhau để trông nom, đấy là còn chưa kể một năm vài lần đi bệnh viện vất vả, tốn kém. Tuy sức khỏe của 2 cháu đều yếu nhưng cháu nào cũng ham học, vì vậy bằng mọi giá chúng tôi đều cho các cháu học bằng chúng, bằng bạn.

 

Hiện tại Hải đã học xong và tự mở quán photocopy cạnh nhà để kiếm sống. Được trò chuyện cùng Hải tôi càng cảm phục nghị lực phi thường của em, Hải chia sẻ: Nhiều lúc em cũng nản lắm! nhất là khi mình đau yếu, bố mẹ “gõ cửa” khắp các bệnh viện chữa mong con mình khỏe lại. Cuộc đời em cũng khá gian truân, sau 12 năm được bố, mẹ đưa đón đến trường (có 9 năm học sinh giỏi, 3 năm học sinh khá) nhưng khi thi vào đại học lại trượt. Được sự động viên của bố mẹ, em tiếp tục ôn thi vào Trường Công nghệ Thông tin Thái Nguyên, nhưng đi ôn được nửa kỳ sức khỏe yếu quá lại bỏ. Sau đó em được gia đình đưa vào học tập tại Trung tâm nghị lực sống Hà Nội, đến tháng 1-2011qua giới thiệu của bạn bè, em vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia khóa học ngắn hạn về thiết kế chương trình đồ họa tại Trường Đại học Dân lập Văn Lang. Những ngày em học xa nhà là những ngày cực nhọc nhất, chân tay yếu, việc đi lại vất vả, phải nhờ cậy vào chiếc nạng gỗ trợ giúp, nhất là những lúc đau yếu phải năm giường bệnh không có bàn tay chăm sóc của bố, mẹ. Có những lúc em suy nghĩ muốn bỏ về, nhưng nghĩ đến bố mẹ ở nhà vất vả bán từng hạt thóc, củ khoai để gửi tiền vào cho mình ăn học em lại cố gắng vượt qua. Bằng sự cố gắng nỗ lực của bản thân, giờ em có thể chụp, chỉnh sửa ảnh, đánh máy vi tính đạt từ 60-100 ký tự/ phút và thiết kế được công trình dân dụng với quy mô nhỏ. Em muốn làm rất nhiều việc nhưng không có vốn nên chỉ mở được quán photocopy để kiếm sống, mỗi tháng thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng.

 

Tôi hỏi: Nếu giờ em có nhiều vốn thì em sẽ làm gì? Hải nói, sẽ mua sắm thêm thiết bị, mở rộng cửa hàng và mời các bạn khuyết tật cùng cảnh về làm  việc.

 

Còn Hà Đức Trung, năm nay học lớp 5. Bà Nghiêm nói: Hiện giờ Trung chưa thể tự đứng dậy đi được, đã có lần tôi bảo cháu nghỉ học ở nhà nhưng cháu nhất định không nghe, trời mưa cũng như trời nắng  cháu đều nài bố mẹ đưa đi học. Trung rất ham học, ngoài thời gian học ở trường, buổi tối Trung thường nhờ anh kèm học đến khi nào hiểu bài mới đi ngủ. Thầy giáo Phạm Quang Mười, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Tiến 2 cho biết: 5 năm học tại trường, năm nào em Trung cũng đạt học sinh giỏi và tham dự các kỳ thi học sinh giỏi môn Toán, Anh văn và Tin học qua mạng. Khi hỏi về ước mơ của Trung, em cho biết: Em muốn mình trở thành Kỹ sư Tin học. Tôi cầu chúc cho Trung luôn có sức khỏe tốt để vun đắp ước mơ của mình trở thành hiện thực.