Thứ 3, 15/07/2025, 20:8

Dân số Việt Nam: Những thách thức trong tương lai

09:11, 11/07/2007

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2005, Việt Nam có khoảng 83,12 triệu người, là nước đông dân thứ 13 trên thế giới. Dự báo đến năm 2024 nước ta vượt 100 triệu dân, đạt 100,5 triệu người.

Trong ba năm gần đây: năm 2003 dân số nước ta tăng thêm: 1.189.265 người, năm 2005 tăng 1.087.700 người, bằng dân số một tỉnh loại trung bình.Mật độ dân số lên tới 335 người/ km2. Tuy nhiên, dân số tăng hiện nay là do đà tăng dân số chứ không phải do mức sinh cao.

Dân số trẻ, nhưng đang bước vào thời kỳ quá độ chuyển sang dân số già và sẽ phải đối mặt với một xã hội già hóa trong tương lai gần. Năm 2005, tỷ lệ trẻ em từ 14 tuổi trở xuống là 26,4%. Nhưng tỷ lệ trẻ em giảm khá nhanh còn tỷ lệ người cao tuổi lại tăng lên.

Đáng chú ý, dân số phân bố không đồng đều, di dân ngày càng sôi động. Trong tám vùng, 42,8% số dân tập trung ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, diện tích đất đai của hai vùng này chỉ chiếm 16,6%.

Mật độ dân số ở các tỉnh rất khác nhau. Năm 1999, trung bình trên mỗi km2 đất ở Thái Bình có 1.194 người, trong khi đó ở Kon Tum chỉ có 32 người/km2, tức là hơn kém nhau đến gần 40 lần.

Tại TP Hồ Chí Minh, luồng di dân tự do không ngừng tăng lên. Giai đoạn 1981 – 1985, bình quân mỗi năm thành phố tăng thêm 130 nghìn người; giai đoạn 1986 – 1990: 185 nghìn người đến 1996: 213 nghìn người…

Dân số Tây Nguyên đến năm 2005 đã tăng gấp ba lần, chủ yếu do dân nhập cư. Tây Nguyên trở thành nơi hội tụ dân cư từ nhiều tỉnh, thành phố, nhiều dân tộc và nhiều tôn giáo.

Bên cạnh đó, quy mô trung bình của một gia đình Việt Nam đã giảm từ 5,2 người (năm 1979) xuống 4,8 người (năm 1989) và 4,5 người (năm 2001). Năm 2004, gia đình hạt nhân, tức là gia đình chỉ có vợ chồng hoặc bố mẹ và các con chiếm tới 67,4% tổng số gia đình. Quy mô gia đình nhỏ góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, sự hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ đang đặt gia đình trước những thách thức mới mà hậu quả là tính ổn định, tính bền vững giảm đi. Những hiện tượng kết hôn muộn, sống độc thân, ly thân, ly hôn hằng năm không ngừng tăng cao và mang tính “đột biến”.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2000 có 51.361 vụ ly hôn, đến năm 2002 là 56.478 vụ, gấp 10 lần so với giai đoạn 1977 – 1982. Ngay ở một tỉnh thuần nông như Hà Tây nhưng năm 1998 có 11.890 cặp kết hôn thì có 2.017 cặp ly hôn.

Sức khỏe sinh sản (SKSS) là một trong những vấn đề quan trọng đối với dân số Việt Nam. Sự phát triển kinh tế, du lịch, di dân, xã hội cởi mở hơn, thanh niên xây dựng gia đình muộn hơn… đã tạo ra những thách thức với SKSS: Tỷ suất sinh thô có xu hướng giảm, đặc biệt giảm nhanh từ năm 1993 trở lại đây. Từ chỗ sinh đẻ 6 – 7 con đến nay chỉ đẻ hai con. Năm 2004, có khoảng 75,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai. Ở mức này, nói chung đã có thể đạt được mức sinh “thay thế”. Nhưng mức sinh có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền – nông thôn, thành thị, giữa các vùng địa lý kinh tế và giữa các nhóm xã hội.

Như vậy, sau nhiều năm thực hiện Chương trình Dân số – KHHGĐ, tình hình dân số nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lại nảy sinh một số xu hướng mới: sự mất cân đối giới tính của trẻ em; ly hôn, nạo phá thai; HIV/AIDS tăng; chất lượng dân số chưa cao…

Trước những thách thức dân số như vậy, chúng ta cần có nhiều biện pháp đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, bảo đảm dịch vụ, phương tiện có chất lượng cao nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu người dân. Thực hiện tốt việc điều chỉnh quy mô dân số trên phạm vi toàn quốc cũng như từng vùng, miền. Cộng đồng cần quan tâm đến các vấn đề của người già, như: việc làm, thu nhập, đời sống, sức khỏe, tình trạng hôn nhân, những mô hình tốt về bảo vệ, chăm sóc, tạo việc làm thích hợp cho người cao tuổi. Tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Dân số về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; phê phán mạnh mẽ những hủ tục biểu hiện trọng nam khinh nữ. Đẩy mạnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người di cư nói chung và di dân tự do nói riêng, đặc biệt phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Thực hiện việc phân bố dân cư hợp lý giữa các khu vực, vùng địa lý kinh tế để giải tỏa sức ép dân số quá lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Chú trọng bảo vệ sức khỏe sinh sản cho người di cư tạm thời hoặc vĩnh viễn, tư vấn và phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Nâng cao chất lượng tư vấn và dịch vụ để giữ vững tỷ lệ tránh thai, mức sinh đã đạt được. Cung ứng đầy đủ và liên tục phương tiện và dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cao.

Đáng chú ý, KHHGĐ ở miền núi phải đồng thời với việc ưu tiên xây dựng và thực hiện chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em, giảm thấp tỷ lệ tử vong sơ sinh nói riêng và tỷ lệ tử vong trẻ em nói chung. Xây dựng chính sách dân số hiệu quả nhằm cải thiện nòi giống, thông qua yêu cầu về sức khỏe khi kết hôn, kiểm soát gien, trước hết đối với nhóm có nguy cơ cao. Sớm nghiên cứu, phổ biến, triển khai thực hiện Điều 21 Pháp lệnh Dân số: “Biện pháp nâng cao chất lượng dân số”. Tuyên truyền về SKSS, làm mẹ an toàn, phòng tránh phá thai, phá thai an toàn; phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sức khoẻ vị thành niên… và đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa quyền được chăm sóc sức khoẻ sinh sản.