Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết năm nay sẽ diễn biến phức tạp, số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tỉnh Thái Nguyên có thể chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão từ 2 đến 3 cơn bão.
Trước thực trạng này, ngoài việc điều tiết nước Hồ Núi Cốc phục vụ sản xuất nông nghiệp Thái Nguyên còn phải đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của hệ thống công trình trong mùa mưa bão, bởi đây là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Ông Chu Hồng Minh, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi cho biết: Chúng tôi đã triển khai phương án phòng, chống lụt bão (PCLB) năm 2008 đến các phường, xã khu vực phía tây thành phố Thái Nguyên, các cơ quan, đơn vị gần công trình Hồ Núi Cốc. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn ban chỉ huy PCLB cấp cơ sở xây dựng phương án cụ thể cho đơn vị mình. Đồng thời lập kế hoạch, kinh phí, dự trù mua sắm vật tư dự phòng theo phương án. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hồ, đập, kênh và các vị trí xung yếu khác.
Là đơn vị tham mưu trong công tác PCLB hồ Núi Cốc, Xí nghiệp khai thác thủy lợi Núi Cốc xác định trọng tâm trong mùa mưa bão chính là vấn đề an toàn của cả hệ thống công trình. Do đó ngay từ tháng tư, Xí nghiệp đã phân công tới từng cán bộ kỹ thuật trực tiếp phụ trách các vị trí xung yếu, có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên, kịp thời các ẩn họa ở hồ, đập, tràn xả lũ và xử lý các trượt, sạt ở kênh mương. Thực hiện tốt chế độ quan trắc thủy văn, đo thấm qua thân đập chính, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước theo quy định của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, báo cáo đầy đủ về lượng mưa, về mực nước hồ trong mùa mưa bão cũng như trong quản lý, bảo vệ công trình.
Đơn vị cũng đã triển khai thực hiện công tác PCLB tới các cơ sở đã được phân công nhiệm vụ và lập phương án xử lý một số tình huống xảy ra như: Xuất hiện bãi sủi hạ lưu đập chính diện tích lớn, mang tràn số 1 bờ hữu bị xói với chiều dài 40m, rộng 4m và cao 1,5m...
Ngoài ra việc đảm bảo vật tư, vật liệu tại khu vực đầu mối Núi Cốc với số lượng: 317m3 đá hộc, sỏi; 200 đôi quang, xảo sắt; 36.444 bao tải dứa, rọ sắt; trên 1.000 cuốc, xẻng, xà beng, đầm gang, xe cải tiến, phao cứu sinh... cũng đã hoàn tất. Cùng với đó, lực lượng xung kích đến ứng cứu từ các xã phường trường học (mỗi đội xung kích có từ 50 đến 100 người) cũng đã sẵn sàng.
Mặc dù lượng mưa từ đầu mùa đến nay chưa quá lớn, mực nước hồ tính đến ngày 30-7-2008 đang ở cao trình 43,47m, so với mức báo động được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nghiệp vẫn rất lo lắng: Từ tháng 8 này càng phải lưu ý, đề phòng hơn vì có thể hạ lưu lũ sông Cầu năm nay sớm hơn lũ sông Công, vậy nên cần phải đề phòng có lũ lớn như cơn lũ lịch sử tại tỉnh ta đã xảy ra vào tháng 10 năm1978.
Để chủ động nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiếp nước cho tỉnh Bắc Giang khi cần thiết và yêu cầu của Xí nghiệp sản xuất nước sạch Tích Lương cho sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh thì hồ Núi Cốc phải được trữ ở cao trình +46,20m khi kết thúc mùa mưa bão. Vì thế, các đơn vị chức năng đã chủ động đề ra các phương án, sẵn sàng đối phó với tình huống xấu do lũ lụt gây ra khi mực nước hồ đang trữ ở mức cao.