Với sự hỗ trợ từ phía Nhà nươc; sự vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo 167 từ tỉnh đến huyện, các xã, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội; các nhà hảo tâm; anh em dòng họ, láng giềng, mùa Xuân này, lại có thêm 9.439 hộ nghèo được đón Tết trong ngôi nhà mới, nâng tổng số hộ nghèo có nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh lên 13.709 hộ. Đóng góp trên đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 và hoàn thành kế hoạch T.W giao trước hai năm.
Từ một chủ trương hợp lòng dân
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo, đói là do người nghèo không có nơi ăn chốn ở ổn định. Các cụ ta xưa nay vẫn nói: “An cư mới lạc nghiệp”. Vì vậy, với một mong muốn làm vơi đi cái nghèo, từ tháng 12/2008, Chính phủ đã có cả một chính sách lớn về việc hỗ trợ làm nhà ở cho những hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo Quyết định 167 mà chúng ta vẫn gọi là “nhà 167” để từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Quyết định 167 nêu rõ, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên gồm có: hộ nghèo trong vùng khó khăn, ngoài vùng khó khăn (theo Quyết định 30); hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Mức hỗ trợ từ ngân sách T.W là 6 triệu đồng/hộ (đối với hộ thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 30 là 7 triệu đồng/hộ); các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm và huy động cộng đồng giúp đỡ để xây dựng được một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24m2, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên. Nếu hộ dân có nhu cầu vay thì mức vay tối đa từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội là 8 triệu đồng/hộ; lãi suất 3%/năm, thời hạn vay 10 năm, trong đó, thời gian ân hạn là 5 năm, mức trả nợ tối thiểu mỗi năm 20% tổng số vốn đã vay. Với mức lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ có ân hạn là những điều kiện thuận lợi cơ bản để các hộ nghèo có thể làm nhà được.
Đến sự nỗ lực của các cấp, ngành
Sau khi có QĐ 167, tỉnh đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) do 1 đồng chí là Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban; các huyện, thành, thị cũng thành lập BCĐ và có 1 Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng Ban; các Ban giảm nghèo cấp xã được kiện toàn. BCĐ 167 đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai các công việc: bình xét hộ nghèo; lập danh sách chi tiết; rà soát danh sách; tổ chức kiểm tra; rà soát và phê duyệt chốt danh sách cuối cùng là 13.709 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở. Thời gian triển khai theo kế hoạch của T.W từ năm 2009 đến năm 2013. Theo phân kỳ hỗ trợ, năm 2009, T.W chỉ cấp cho tỉnh 8.050 triệu đồng, tương đương với 1.000 hộ nghèo. Song với một quyết tâm cao từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của BCĐ 167 tỉnh rất quyết liệt, năng động, sáng tạo nên dù nguồn vốn T.W cấp ít, nhưng với mục tiêu hộ nghèo có nhà ở “sớm ngày nào tốt ngày đó”, BCĐ 167 tỉnh đã đề xuất với và các ngành liên quan mạnh dạn huy động các nguồn vốn ứng trước để hoàn thành kế hoạch đề ra năm 2009 là thực hiện được 3.000 hộ; vận động nguồn vốn hỗ trợ từ T.W và Ngân hàng Chính sách – Xã hội (NHCSXH) Việt Nam để hỗ trợ cho các hộ nghèo nằm ngoài mức quy định ban đầu. Kết thúc năm toàn tỉnh đã thực hiện xây được 4.270 căn nhà cho hộ nghèo. Năm 2010, với số lượng gấp đôi (9.439 hộ nghèo) còn lại chưa có nhà ở, song cũng đã hoàn thành tốt đẹp kế hoạch đề ra.
Đạt được kết quả đó, bên cạnh sự quyết tâm cao, tạo điều kiện về vốn của T.W, tỉnh; điều đáng nói ở đây là đã có sự chung tay, góp sức của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm, anh em, dòng họ, láng giềng rất lớn để huy động nguồn lực xây nhà cho hộ nghèo. Qua đánh giá 2 năm thực hiện, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ là 113.330 triệu đồng, thì ngân sách T.W hỗ trợ 98.822 triệu đồng (trong đó, vốn đối ứng của tỉnh 4.720 triệu đồng); vốn vay từ NHCSXH 100.219 triệu đồng; nguồn vốn đóng góp hỗ trợ thêm của Mặt trận Tổ quốc, các địa phương, các tổ chức đoàn thể, cá nhân, dòng họ và gia đình cũng rất lớn: lên đến trên 82 tỷ đồng.
Kết quả từ sự chung sức, chung lòng
Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước với chương trình “làm nhà 167”: 13.709 ngôi nhà được xây trong thời gian 2 năm, về trước kế hoạch T.W đề ra 2 năm quả là một con số ấn tượng. Để làm được trên 13 nghìn ngôi nhà theo Quyết định 167 không phải là điều đơn giản. Anh Trần Dương Hợp, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng tâm sự: Thái Nguyên là tỉnh có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, nhiều dân tộc cùng chung sống; phong tục tập quán đa dạng. Nói như vậy để thấy được sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi cán bộ, các thành viên Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến huyện là rất lớn. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành liên quan, các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm, bản, đặc biệt là các thành viên BCĐ 167 từ tỉnh đến huyện, Ban giảm nghèo các xã, các thôn, xóm phải thật ráo riết, tinh thần trách nhiệm rất cao, họ đi làm hầu như “ không công”, không kể ngày nghỉ, không có chế độ, chính sách về công tác phí hay làm thêm giờ để đôn đốc, kiểm tra thúc đẩy tiến độ. Đối với Sở Xây dựng là cơ quan thường trực BCĐ phải chi không biết bao nhiêu chuyến xe đi công tác, các cuộc điện thoại để thẩm định, kiểm tra, đôn đốc, vận động người dân, liên lạc với BCĐ cấp xã, huyện, tỉnh, Trung ương để báo cáo tiến độ, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong khi đó còn biết bao công việc của Sở cũng cần phải giải quyết, triển khai.
Theo đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 167 của tỉnh: Với một quyết tâm cao, sự đồng lòng, nhất trí vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự chung sức, chung lòng từ BCĐ tỉnh đến huyện, xã, các tổ chức chính trị -xã hội, anh em dòng họ, các doanh nghiệp, bè bạn, láng giềng… tất cả đều hướng đến mục tiêu chung: Các hộ nghèo nằm trong diện hỗ trợ phải có nhà ở mới trong Tết này nên đã nhanh triển khai xây dựng xong trên 9.000 căn nhà cho hộ nghèo trong năm 2010. Từ chương trình này có thể thấy: Việc thực hiện xây dựng “nhà 167” không chỉ tạo chỗ ở mới cho hộ nghèo mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế thông qua việc tiêu thụ vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nông thôn; tạo được dư luận xã hội tốt trong nhân dân. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi định mức hỗ trợ không thay đổi, giá cả luôn biến động theo chiều hướng tăng. Cũng qua công tác này, có thể thấy rõ, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến huyện đã tạo được phong cách, tư duy làm việc mới; khả năng hội tụ đội ngũ cán bộ, công chức có tâm huyết mới có thể triển khai nhiều nhà trong một thời gian ngắn, lại đảm bảo các quy định và chất lượng tốt. Điều đặc biệt của chương trình là mang tính xã hội hóa cao, theo đúng nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng, gia đình, dòng họ cùng chung vai để xây dựng nhà cho hộ nghèo.
Tết đã đến sớm hơn với người nghèo
Chúng tôi đã có dịp cùng đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 167 của tỉnh đi một số gia đình vừa để kiểm tra thực tế, vừa tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán 2011. Đoàn đã đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Giáng, ở xóm Khuôn Muống, xã Yên Lãng, Đại Từ. Năm nay bà đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, bà vừa bị ngã nên phải nằm một chỗ không dậy tiếp chúng tôi được. Bà cứ nắm lấy tay đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hết lời cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến hoàn cảnh của bà nên bà mới có ngôi nhà chắc chắn để tránh mưa, tránh nắng như ngày hôm nay. Qua trao đổi với anh Phạm Văn Minh, Trưởng xóm cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cụ Giáng hết sức éo le. Gia đình cụ quê gốc ở Thái Bình lên đây lập cư đã lâu; không có anh em thân thích; không có đất đai, bà có 2 con trai, một anh lấy vợ đi làm ăn xa, còn 1 anh năm nay cũng gần 50 tuổi vừa bị câm, vừa bị điếc. Cuộc sống của hai mẹ con quanh năm lay lắt, cái ăn thì trông vào hàng xóm láng giềng nên bữa đói, bữa no; nơi ở trước đây là túp lều tranh xiêu vẹo; giường cũng không có nằm. Với sự hỗ trợ từ kinh phí của Nhà nước (vốn T.W và vốn đối ứng của tỉnh) 8,4 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 5 triệu đồng và công đóng góp của bà con lối xóm, nên đã xây cho bà được căn nhà 3 gian, trị giá khoảng 25 triệu đồng. Bà con ở đây rất vui, có cụ bà hàng xóm thật thà nói: Thỉnh thoảng chúng tôi có thể thay nhau giúp cho gia đình bà Giáng miếng cơm chín chứ không thể xây cho bà căn nhà với số tiền lớn như vậy, thật phúc đức quá”.
Còn đối với gia đình anh Nguyễn Văn Bộ, ở xóm 4, xã Phú Xuyên, Đại Từ. Cả hai vợ chồng anh, chị đều đi làm thuê ở Hà Nội nên chúng tôi không gặp được. Tuy nhiên, thấy chúng tôi đến, bố, mẹ, bà con lối xóm đến tiếp chuyện rất đông. Ai cũng mừng cho anh, chị, vì gia cảnh của anh, chị cũng thực khó khăn: Do bố, mẹ cũng là người dân từ Hải Dương lên vùng đất này sinh sống nên từ lúc lấy nhau đến giờ vẫn phải ở chung với bố, mẹ. Bố, mẹ cũng nghèo lại đông con. Anh lại không được “khôn” như người ta, đi làm thuê thì cứ “ráo mồ hôi là hết tiền”… nên trong giấc mơ cũng chẳng dám nghĩ đến xây được căn nhà riêng cho mình, dù chỉ là ngôi nhà nho nhỏ 2 gian chắc chắn một chút để tránh mưa, tránh bão. Thế mà đến nay, được sự hỗ trợ từ “nhà 167”, sự “sắn tay” của gia đình dòng họ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể đã giúp anh, chị xây được ngôi nhà khang trang với tổng trị giá gần 70 triệu đồng (trong đó riêng anh, em bè bạn giúp đỡ đến 40 triệu đồng, còn lại Nhà nước hỗ trợ và vay từ Ngân hàng Chính sách).
Ra về trong lòng tôi thật xốn xao, vui lây cái vui của người nghèo, vì trước đây, gia đình tôi cũng nghèo lắm. Chính vì vậy, tôi có thể cảm nhận rõ niềm vui của những người nghèo khi được ở trong ngôi nhà mới. Đây sẽ là cơ hội giúp người nghèo thoát nghèo nhanh hơn. Tôi thầm ước, nếu chương trình nào cũng có sự quyết tâm vào cuộc tích cực của các ngành, cấp, đặt biệt là những người đứng đầu; sự tham gia của toàn xã hội, thì sẽ có biết bao hộ nghèo được hưởng lợi sớm hơn những gì mà Nhà nước đang quan tâm và giúp họ để vươn lên trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng xã hội bình đẳng, ấm no, hạnh phúc.