Vững vàng nơi đầu sóng

10:06, 03/01/2012

Nhận được thông báo của Đoàn công tác là bão qua, sóng gió đã giảm bớt, tàu Trường Sa 22 sẽ cho xuồng vào đón để đi sang đảo Đá Lát và một số đảo khác theo kế hoạch, cánh phóng viên chúng tôi ai nấy mừng quýnh, bởi đã hơn 5 ngày nay, cả đoàn phải nằm lại ở đảo Trường Sa lớn để tránh bão.

Vẫn cái công đoạn gian khổ khi “tăng bo” từ tàu vào đảo, bị sóng gió vùi dập khi lên xuồng, xuống xuồng nhưng ai nấy đều phấn chấn bởi được sang điểm đảo mới. Lên đến tàu lúc 8 giờ 30 phút, chúng tôi được thuyền trưởng nhắc nhở, gió đang ở cấp 5, cấp 6, tàu sẽ đi ngang sóng nên phải chằng buộc thật kỹ thiết bị, quân tư trang mang theo để tránh đổ vỡ, hỏng hóc. Chúng tôi răm rắp tuân lệnh. Sau hơn 3 tiếng dềnh lên dập xuống cùng con tàu, chúng tôi đã đến khu vực đảo chìm Đá Lát. Nhìn từ xa, điểm đảo này trông như một chiếc mũ rộng vành, chóp bằng, được đặt úp trên các con sóng bạc màu. Tàu lớn phải neo ở cách đảo khoảng gần 1 km để hạ xuồng chuyển tải đưa bộ đội, công nhân của Công ty công trình Viettel và phóng viên báo chí vào. Lại một phen sóng gió tung hoành, vào đến đảo anh em ai nấy đều ướt hết vì nước biển hắt vào, cũng may, trước khi đi, đoàn công tác đã phát cho mỗi người một chiếc túi nilon to để bao gói thiết bị nên máy ảnh, máy quay không hề hấn gì.

 

Theo tài liệu của Quân chủng Hải quân thì đảo Đá Lát nằm cách đảo Trường Sa lớn khoảng 14 hải lý (tương đương 25 km). Nhìn từ trên cao xuống, đảo có hình dáng giống chiếc khoẳm trâu, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, tổng diện tích trên 90.000 m2, độ cao trung bình của đảo khoảng 0,4 mét trên mặt nước, mỗi khi thủy triều lên xuống đảo cao, thấp khác nhau. Đá Lát là đảo san hô khép kín, phía trong là hồ nước, khi thủy triều lớn toàn đảo bị ngập nước, thủy triều xuống thấp các bãi san hô và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.

Do diện tích nhà ở trên đảo chật hẹp, lượng “khách” lên đảo đông nên trong suốt thời gian cuối buổi chiều, cán bộ đảo phải chạy đôn, chạy đáo để bố trí chỗ ăn, nghỉ cho anh em đoàn công tác, sau bữa cơm tối đúng chất lính đảo (chỉ có cơm, canh là nước với vài lát bí xanh, mấy con cá biển nhỏ cánh phóng viên chúng tôi tranh thủ thời gian, xúm lại hỏi thăm tình hình sinh hoạt của anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ngồi khoanh tròn cùng “dân” báo chí trong căn phòng chật hẹp, nơi ngủ nghỉ của các chiến sĩ trực điện báo, Đảo trưởng, Thiếu tá Trương Văn Núi miêu tả rất sinh động: Nơi đây là “thiên đường” không bao giờ dứt tiếng sóng, vào những lúc sóng to, gió mạnh, nghe như có hàng nghìn chiếc máy bay phản lực đang gầm rú ở xung quanh, chính vì thế những người ở đây phải nói rất to để đồng đội có thể nghe thấy.

 

Gian khổ thì nhiều nhưng chủ yếu nhất vẫn là thiếu nước ngọt và rau xanh. Nước ngọt ở đây chủ yếu là hứng nước mưa, tuy nhiên do nhà trên đảo được xây từ cách đây nhiều năm, thể tích bể chứa nước nhỏ, nên lượng trữ nước còn hạn chế. Hồi đầu năm 2010, trời không có mưa, nắng gắt, không có cây xanh che bóng mát, cả khối nhà bê tông nóng hầm hập, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải chia nước để dùng, tất cả sinh hoạt, ăn uống một ngày mỗi người chỉ được có 5 lít, 3 đến 4 ngày mới được lau người bằng nước ngọt một lần, dùng xong, số nước đó lại được tận dụng để tưới rau, không hề bỏ phí giọt nào. Nhân nói đến chuyện trồng rau, anh Núi hóm hỉnh thốt lên, để có màu xanh của những ngọn rau sam, mồng tơi, muống, cải, bầu đất… ngoài chăm chút của các chiến sĩ còn cần đến cả một nghệ thuật, đó là “nghệ thuật” tránh sóng. Thường thì anh em ở đảo chìm làm các vườn rau di động gác sát vào thân nhà kiên cố, rau được trồng trong các khay đất nhỏ, khi gió mùa Tây Nam thổi mạnh, vườn rau được chuyển sang phía Đông Bắc, khi gió đổi chiều thì vườn rau được chuyển ngược lại. Bình thường là thế nhưng gặp lúc bão tố, anh em bận lo công việc cứu nạn, cứu hộ hoặc các công tác khác, không kịp cất các khay trồng rau, thế là sóng “thổi” nó lên tận nóc nhà, công toi hàng mấy tuần chăm sóc, tiếc nhất là mất hết đất, giữa mênh mang sóng biển thế này, đất quý như vàng.

 

Biết ở đây có đồng hương người Thái Nguyên, tôi sùng sục đi tìm, gặp mặt đồng hương mừng quá, thật không ngờ ở nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tôi lại có cuộc trò chuyện thú vị như vậy. Tên anh là Vũ Tiến Kiên, cấp bậc thiếu úy chuyên nghiệp, nhà có 4 anh chị em (3 trai, 1 gái), quê quán ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. Chắc là do được rèn luyện trong môi trường sóng gió khắc nghiệt nên nhìn Kiên già dặn hơn so với tuổi 27 của mình, anh tâm sự: Tôi nhập ngũ năm 2006, học và làm công tác báo vụ, sau đó tôi được cử đi học tại Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân từ năm 2007 đến 2009, ra trường tôi nhận nhiệm vụ lái tàu biển tại Lữ đoàn 170 (Vùng I  Hải quân), đến tháng 10/2010 tôi xin được ra đảo Trường Sa để cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc. Kiên tâm niệm, nơi gian khổ chính là nơi rèn đức, luyện tài của người chiến sĩ, trong gian khó, tình đồng đội đồng chí càng bền chặt, tư tưởng, tính cách của từng cá nhân được bộc lộ, qua đó họ tự đánh giá, rèn luyện và vượt lên chính mình, có đủ bản lĩnh đương đầu với mọi khó khăn, xứng đáng là “Bộ đội cụ Hồ”.

 

Khi tìm hiểu về tiềm năng kinh tế của quần đảo Trường Sa, chúng tôi được biết, khu vực đảo Đá Lát có rất nhiều loại hải sản, đây được coi như “vựa cá” của Trường Sa. Cá ở đây có nhiều loài ăn rất ngon và có trữ lượng lớn như: Cá bò, song, mú, nhồng, ngừ đại dương, da báo… đặc biệt là loài hải sâm có giá trị kinh tế rất cao (trên 2 triệu đồng/kg tươi), ngoài ra còn vô số các loại hải sản khác, trong đó có ốc càng, trai biển, giá bán từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/kg. Thiếu tá Tạ Quang Hải, Chính trị viên đảo Đá Lát cho biết: Từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm, khu vực này có rất nhiều tàu của ngư dân các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa… ra đánh bắt hải sản, có tàu trúng luồng, sau gần 2 tuần bắt được tới gần 10 tấn cá. Trữ lượng cá nhiều nhưng mặt biển mênh mông luôn chứa đựng những hiểm họa bất thường, ở quanh đảo có tới 3 xác tàu đắm của ngư dân do bão biển gây ra mà hiện nay vẫn còn trơ bộ khung sắt han gỉ lên mặt nước mắc cạn vào bãi san hô ngầm. Nên ngoài việc thường xuyên huấn luyện tác chiến, canh giữ vững chắc vùng lãnh hải, anh em cán bộ, chiến sĩ của đảo còn thường xuyên bảo vệ, giúp đỡ các ngư dân bị nạn trên biển, khám bệnh, cấp thuốc, cấp nước ngọt miễn phí, thậm chí chia sẻ cả khẩu phần lương thực của mình cho ngư dân, những hành động đó đã làm cho người dân yên tâm hơn để vươn ra khơi xa, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, mở mang kinh tế, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

 

Lúc chia tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tôi còn nhớ như in lời bộc bạch chân thành của Đảo trưởng Trương Văn Núi: Những con người đã từng gắn bó nơi này đều xem đảo như một phần máu thịt, tinh thần thép cùng sức người đã phủ xanh rẻo cát san hô sắc nhọn và chế ngự những con sóng bạc đầu dập dồn bất tận. Hiện nay đời sống của chiến sĩ ở đảo còn nhiều khó khăn lắm, nhất là thiếu tình cảm nơi đất liền, có chiến sĩ ở đảo nhận được tin người thân mất nhưng không về được bởi bình thường tàu của quân chủng 6 tháng mới ra một lần, đành chịu, lúc đó anh em tụm vào chia sẻ, động viên, đồng thời nhờ đơn vị ở đất liền thay anh em ở đảo đến viếng. Chỉ mong sao sau này ngày càng có nhiều chuyến tàu mang hơi ấm từ đất liền đến với đảo, để các chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ nhà, vững chắc tay súng gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.