San sẻ một niềm đau

10:42, 23/10/2012

Mắt mờ đi, đôi chân muốn quỵ xuống, cảm giác đầu tiên khi H.T.M, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đọc kết quả xét nghiệm máu của mình: “Dương tính”. Một cảm giác đau đớn, tủi hổ lấn át lý chí. Chị bảo: Lúc ấy, tôi chỉ muốn chết cho thoát nợ.

Theo năm tháng, nỗi đau của người có H cũng dần nguôi ngoai. Đặc biệt từ khi tham gia sinh hoạt tại nhóm Hoa Hướng Dương (Hội Liên hiệp phụ nữ - LHPN tỉnh), chị được gặp những người đồng cảnh bị lây nhiễm căn bệnh HIV từ chồng. Ở đó, nỗi đau mọi người cùng san sẻ, cho nỗi buồn vơi đi, để sau đó mỗi người vươn lên hòa nhịp với cuộc sống đời thường.

 

Theo bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Hầu hết các chị em khi biết mình mắc căn bệnh này đều có suy nghĩ tiêu cực. Nhưng vì chồng, con và gia đình, họ trở nên rắn rỏi hơn để sống. Nhằm giúp chị em vơi đi mặc cảm của người có “H”, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, như việc thành lập các câu lạc bộ (CLB); nhóm, dành cho chị em có HIV và người có nguy cơ lây nhiễm cao tham gia sinh hoạt.

 

Hiện Tỉnh Hội đã thành lập được 180 CLB, nhóm, thu hút được 3.733 thành viên, trong đó có 83 CLB đồng cảm, 2.905 thành viên; 11 CLB Làm mẹ, 345 thành viên; 4 CLB Bạn giúp bạn, 185 thành viên; CLB Hoa Hướng Dương, 150 thành viên và các CLB tình nguyện; CLB Hoa Huệ; CLB làm mẹ; CLB Vòng tay nhân ái, hướng tới tương lai thu hút được hàng trăm hội viên và đang hoạt động có hiệu quả. Mục đích của các CLB, nhóm, là tập hợp người nhiễm HIV và thân nhân của người nhiễm HIV giúp họ ổn định tư tưởng, không tự ty, mặc cảm, tạo ra phong trào tương thân, tương ái giúp nhau giữa người bệnh và người bệnh, giữa cộng động với người bệnh; đồng thời tuyên truyền, giáo dục giúp người nhiễm HIV và thân nhân của họ biết cách tự chăm sóc sức khỏe, phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. Tuyên truyền làm giảm kỳ thị, phân biệt, đối xử của cộng đồng với người nhiễm HIV.

 

Trên địa bàn của tỉnh hiện có gần 8.500 người bị nhiễm HIV, trong đó có gần 3.900 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.786 người đã chết vì căn bệnh này. Riêng trong thời gian 6 tháng đầu năm 2012, cơ quan chức năng đã phát hiện mới 185 người nhiễm HIV, 117 trường hợp chuyến sang giai đoạn AIDS, 26 trường hợp tử vong do AIDS. Căn bệnh HIV/AIDS đã “phát tán” đến 180/182 xã, phường, thị trấn của tỉnh, trong đó 54 xã, phường được xác định là xã, phường trọng điểm, và số người bị mắc căn bệnh thế kỷ này tập trung nhiều ở T.P Thái Nguyên, các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên và huyện Phú Bình. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này chủ yếu do tiêm chích ma túy và lây truyền qua đường tình dục.

Nhiều lần đến các CLB để trò chuyện, chia sẻ với các chị là nạn nhân của căn bệnh HIV, không ít chị thở dài, cho rằng vì cuộc sống gia đình, chồng họ phải đến các bãi vàng sa khoáng để tìm kiếm vận may. Nhưng các ông chồng đã không có vàng mang về cho vợ, con, mà họ mang về nhà những cơn vật thuốc, đau đớn đến mất cả tính người. Có chị khi đến bệnh viện sinh con mới biết mình bị mắc HIV. Có chị thấy bị đau ốm kéo dài, thuốc thang cả tuần không thấy chuyển bệnh, được chị em tư vấn đi xét nghiệm máu mới… ngã ngửa: Bản thân đang mang trong dòng máu của mình con vi rút hình cầu gai. Đau đớn, khóc vật vã, chị N.T.N, Hùng Sơn (Đại Từ) bảo: Tôi nhận kết quả xét nghiệm HIV từ 4 năm nay. Khi đó tôi không tin, ngỡ cán bộ y tế nhầm lẫn, vì chồng tôi - anh ấy rất hiền. Nhưng đêm ấy, chồng tôi đã khóc, thú nhận trước đó bản thân có quan hệ với gái nhà hàng mà không sử dụng bao cao su.

 

Chị T.T.T ở CLB Hoa Huệ (Phổ Yên) lau nước mắt kể: Tôi lấy chồng năm 2008, ngay đêm tân hôn tôi đã bắt gặp chồng mình chích ma túy trong nhà vệ sinh. Kể từ đêm ấy tôi đã như một cái xác cho “nó” dày vò. Bỏ chồng thì sợ bị điều tiếng cho bố mẹ, người thân. Tôi chấp nhận chung sống với chồng nghiện, với suy nghĩ bằng tình yêu của mình để cảm hóa, giúp chồng từ bỏ con đường tệ nạn xã hội. Nhưng chứng nào tật ấy, cai rồi lại nghiện, có tiền là “nó” đi tìm ma túy. Vợ chồng chẳng mấy khi được cơm lành, canh ngọt. Cho đến năm 2000, sinh cháu, có bác sĩ hỏi bâng quơ: Trước đây, em có đi làm ở nhà hàng không? Tôi ứa nước mắt, một cục gì cứng ngắc dâng lên cổ đến nghẹt thở… Tôi đã bị nhiễm HIV, nhưng rất may đứa con gái của tôi qua nhiều lần thử nghiệm HIV đều âm tính.

 

Không được may mắn như chị T.T.T, chị L.T.N, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) là một điển hình. Khi vào viện sinh nở, chị thấy có nhiều người đến xem mặt, thở dài, và… rồi chị biết, không riêng chị, đứa con gái còn đỏ hon hỏn đang nằm trong vòng tay bà ngoại cũng bị nhiễm HIV. Chi bảo: Tôi đã uất muốn chết. Có lúc định mua thuộc chuột về để 2 mẹ con cùng uống. Nhưng sau đó, tôi gặp được các chị em đồng cảnh, vận động tham gia sinh hoạt CLB. Tham gia sinh hoạt ở đây, tôi hiểu đầy đủ hơn về đường lây truyền và cách phòng tránh căn bệnh này sang người thân. Qua sinh hoạt, tôi còn được CLB phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh và nắm bắt kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con theo khoa học. Đặc biệt là đến với CLB, những người đồng cảnh chúng tôi gặp nhau, được cười và được khóc, được chia sẻ để vợi đi chút đắng đau riêng mình.