Khi phong trào đi vào cuộc sống

14:00, 07/01/2016

Những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (phong trào) đã đi vào đời sống cộng đồng các dân tộc, thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia. Năm 2015, toàn tỉnh có 263.115/305.790 hộ đạt gia đình văn hoá, bằng 86%; 2.232/3.031 xóm, tổ dân phố đạt văn hoá, bằng 73,63%; 1.453/1.551 cơ quan văn hoá, bằng 93,68%.

Chuyện xây dựng Phong trào, ông Đinh Văn Mạnh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm 6, xã Cù Vân (Đại Từ) cho biết: Kết quả Phong trào đã làm đổi thay diện mạo quê hương tôi. Tất cả các công trình dân sinh như đường bê tông, cứng hoá kênh mương nội đồng, đường điện, nhà văn hoá… đều được xây dựng từ tiền của, công sức đóng góp, đối ứng của nhân dân. Phong trào đã từng bước tạo dựng được môi trường văn hoá đẹp hơn trong đời sống cộng đồng. Còn ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng xóm Quang Trung 2, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) tâm đắc: Nhờ triển khai, thực hiện có hiệu quả Phong trào, bà con chòm xóm thêm gắn bó, đoàn kết, có tinh thần thương yêu, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, tình làng nghĩa xóm thêm đầm ấm.

 

Những câu chuyện tôi được nghe, được thấy từ bình dị thôn quê, nhưng chan chứa, ấm áp tình người. Bởi Phong trào đi sâu vào đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, nên đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong cộng đồng dân cư về xây dựng đời sống văn hoá, trong đó có xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện nếp sống văn minh. Điển hình như ở huyện Phú Lương, do được các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện đạt kết quả. Nhờ đó, môi trường văn hóa trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ gia đình văn hóa, cơ quan, làng bản văn hóa ngày càng tăng, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Hàng năm, Ban chỉ đạo các cấp tiến hành bình xét, khen thưởng để cổ vũ, động viên tạo khí thế thi đua trong toàn dân.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi biết, trong suốt quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp của huyện đã triển khai kế hoạch mở rộng và nâng cao chất lượng Phong trào thông qua việc lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước từ huyện đến cơ sở; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng các mô hình khu dân cư hoạt động điểm. Ban chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đẩy mạnh phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và tích cực hiến đất, góp công tham gia xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Nhờ vậy mà những ngày đầu năm 2016 này, về huyện Phú Lương, chúng tôi được chứng kiến nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng. Trên các trục đường về xã được sạch đẹp, phong quang, dọc bên đường làng nhà xây chắc chắn thế chỗ cho những ngôi nhà tạm, lòng người vui phơi phới chuẩn bị đón mừng xuân sang.

 

Từ trung tâm huyện Phú Lương, chúng tôi qua xã Yên Đổ để lên huyện Định Hoá - thủ phủ kháng chiến năm xưa. Tôi lặng lẽ leo lên đỉnh núi Nản, nhìn xuống một vùng đất đai trù phú dưới chân núi, thấy Định Hoá như chàng lực điền vừa choàng lên vai tấm áo mới. Theo bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào... Liên tục nhiều năm nay, huyện Định Hoá có số lượng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” ngày một tăng, cụ thể năm 2000, toàn huyện có 1.368/19.000 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, bằng 7,2%, đến cuối năm 2015, toàn huyện có 20.657/25.513 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, bằng 80,96%, tăng 73,76% so với năm 2000. Cũng trong những năm này, số xóm, tổ dân phố văn hoá của huyện tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, từ 60/425 xóm, tổ đạt văn hoá năm 2000, bằng 14,11%, tăng lên 290/435 xóm, tổ đạt văn hoá năm 2015, bằng 66,66%, tăng 52,55% so với năm 2000. Từ Phong trào, nhiều nét đẹp văn hoá trong đời sống của đồng bào các dân tộc được khôi phục, phát huy. Hiện toàn huyện có hơn 65 câu lạc bộ thể dục, thể thao; hơn 30 đội văn nghệ, câu lạc bộ lượn, cọi được thành lập và duy trì có hiệu quả.

 

Lật mở biểu báo cáo kết quả Phong trào năm 2015, anh Nguyễn Thành Luân, Trưởng Phòng Xây dựng đời sống Văn hoá và Gia đình (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tâm đắc: Những con số trong bảng biểu tổng hợp đã nói lên tất cả về kết quả một Phong trào. Hầu hết các huyện, thị và thành phố đều có số gia đình và số xóm, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hoá cao...

 

Để minh chứng thêm về kết quả Phong trào, chúng tôi lên huyện Võ Nhai, một trong những huyện vùng cao, miền núi khó khăn của tỉnh. Khi tìm hiều về kết quả Phong trào, anh Lương Thanh Hà, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết: Năm 2015, toàn huyện Võ Nhai có15.154 hộ đăng ký xây dựng Gia đình văn hoá. Đến cuối năm, qua bình xét công khai từ cơ sở, toàn huyện có 13.401 hộ đạt gia đình văn hoá, bằng 88,4% so với tổng số hộ đăng ký. Về xóm, tổ dân phố có 153/174 cơ sở đăng ký, kết quả bình xét cuối năm có 118 xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá, bằng 77,1% so với số xóm, tổ dân phố đăng ký, tăng 11,1% so với năm 2014.

 

Hiệu quả từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo quê hương. Đặc biệt từ Phong trào, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của mọi người dân được nâng cao. Và cũng từ Phong trào, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được bài trừ, nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống được khôi phục, bảo tồn, phát huy. Từ mỗi xóm, tổ dân phố, hằng ngày, sau giờ lao động vất vả, bà com chòm xóm lại cùng nhau tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn chấn và nếp sống văn hoá lành mạnh trong cộng đồng.