Thứ 3, 15/07/2025, 23:15

Coi trọng đảm bảo an toàn tính mạng của người dân

15:53, 04/07/2016

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các hiện tượng thiên tai như: giông lốc, mưa đá, sét đánh và lũ quét làm 6 người chết, 3 người bị thương, ước thiệt hại về tài sản trên 10,2 tỷ đồng. Trước tình hình trên, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Ông Hoàng Đức Khánh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng: Hồ điều hòa Xương Rồng chưa phát huy hết hiệu quả trong chứa và xả lũ. Việc đấu nối hệ thống thoát nước giữa các khu dân cư mới với hệ thống thoát nước của thành phố chưa đồng bộ là những nguyên nhân khiến T.P Thái Nguyên bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn.

 

 

Ông Trương Văn Phụng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Hiện nay, tình trạng người dân lấn cống, mượn cống để làm công trình tạm đã gây khó khăn trong công tác nạo vét cống, khơi thông dòng chảy. Ngoài ra, các dự án khu dân cư, khu đô thị triển khai thiếu đồng bộ và chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước cũng là 1 trong những nguyên nhân làm cho thành phố bị ngập úng.

 

 

Ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên): Nguyên nhân gây ngập úng trên địa bàn T.P Thái Nguyên trong trận mưa đêm 1-7 là do tại khu vực cuối nguồn, cống qua đường Cách mạng tháng Tám còn nhiều rác ứ đọng, chưa được nạo vét, gây ách tắc dòng chảy. Ngoài ra, một phần do nguyên nhân hồ Xương Rồng mở cống xả nước muộn.

 

 

Đêm 1-7, bà con nhân dân xã Quy Kỳ (Định Hóa) không ngủ vì  phải tập trung tìm kiếm 2 người trong xã là anh Đặng Văn Vi, ở xóm Túc Duyên và Triệu Đình Thức, ở xóm Tổng Củm bị lũ cuốn trôi. Sự việc xảy ra bất ngờ nên ai cũng bàng hoàng. Anh Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ cho biết: Vào thời điểm đó, trên địa bàn xã không có mưa to nhưng do nước từ phía tỉnh Bắc Kạn về các ngầm tràn chảy qua địa bàn xã. Trời tối, không quan sát được mực nước nên cả 2 nạn nhân đã bị nước cuốn trôi. Đến khoảng 8 giờ30 phút sáng 2-7, xác 2 nạn nhân mới được tìm thấy.

 

Được biết, đây không phải trường hợp đầu tiên người dân bị lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn. Trước đó, vào ngày 25-5, cũng đã có 1 nạn nhân ở Đại Từ bị lũ cuốn. Như vậy, có thể thấy, ý thức của một bộ phận người dân còn chủ quan trước những tình huống nguy hiểm. Ngoài ra, khảo sát tại một số ngầm tràn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy chưa có hệ thống cảnh báo nguy hiểm; chưa có lực lượng canh gác thường xuyên tại các ngầm tràn. Tại một số ngầm tràn, mặc dù nước lên cao nhưng có người dân vẫn đứng trên tràn vớt củi, kéo cá, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.

 

Anh Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa đề xuất: Để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi đề nghị tỉnh cắm biển ở các điểm cầu tràn để cảnh báo nguy hiểm. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn được cấp xuồng cao su để chủ động ứng cứu và di dân ra khỏi khu vực ngập úng. Nhiều hôm nước lên, chúng tôi tự ghép nhiều cây tre lại thành mảng để đi ứng cứu nhưng không thuận tiện và không đảm bảo an toàn khi nước lũ dâng cao.

 

Tại T.P Thái Nguyên, mưa lớn xảy ra trong đêm ngày 1-7 với lượng mưa 164mm, cao nhất từ trước tới nay cũng đã khiến 181 nhà dân bị ngập sâu, các tuyến đường như: Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ, Minh Cầu và các điểm như Cổng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên… bị ngập úng sâu từ 35-70 cm. Anh Nguyễn Thành Nam, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đánh giá: Đây là trận mưa lớn, chưa từng xảy ra tại T.P Thái Nguyên. Để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, ngay trong đêm 1-7, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND T.P Thái Nguyên tổ chức 6 lượt xe chuyên dụng, 2 xuồng cao su và 4 máy bơm để ứng cứu, bơm tiêu úng và tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.

 

Sáng ngày 2-7, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công điện số 97/CĐ-BCH hồi 8 giờ 00’ ngày 2/7/2016 yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Đại học Thái Nguyên và các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và các doanh nghiệp chủ động triển khai phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Đồng thời, yêu cầu các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để cảnh báo thông tin kịp thời đến người dân và sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán dân tại các khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

 

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, UBND T.P Thái Nguyên và các huyện trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo khắc phục hậu quả; đồng thời, kịp thời đến thăm  hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có nạn nhân bị chết, giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống. 

 

Tại cuộc họp Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh với một số đơn vị liên quan chiều 3-7, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ngành, đơn vị đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Đồng thời, yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành chức năng thực hiện nghiêm các chỉ thị, văn bản của UBND tỉnh, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Về vấn đề ngập úng ở T.P Thái Nguyên, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tìm hiểu rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao Sở Xây dựng chủ trì, đánh giá lại các dự án có liên quan đến việc thoát nước, thoát lũ; giao T.P Thái Nguyên lập phương án đảm bảo khơi thông dòng chảy và xây dựng phương án cụ thể về quy trình vận hành đón nước, xả lũ của Hồ điều hòa Xương Rồng. Sở Giao thông - Vận tải có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương bổ sung thêm hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm cho người dân tại các khu vực có ngầm tràn. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tăng cường đưa thông tin dự báo, cảnh báo, định hướng dư luận để công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai kịp thời và đạt hiệu quả cao.

 

Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, để chủ động ứng phó với các hiện tượng thiên tai cực đoan, ngoài sự vào cuộc chủ động, tích cực của chính quyền các cấp, người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự trang bị những kỹ năng để đảm bảo an toàn tính mạng bản thân.