Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, đạt chuẩn nông thôn mới; nhà xây cấp 4, cao tầng thấp thoáng trong màu xanh của cây trái; nhà văn hóa khang trang, thoáng rộng... Đó là những hình ảnh ấn tượng với chúng tôi khi tác nghiệp ở Làng văn hóa Hoàng Thanh, xã Đồng Tiến, T.X Phổ Yên.
Ông Lê Xuân Bình, Tổ trưởng Tổ dân dân phố Hoàng Thanh tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về những cố gắng, nỗ lực, sự đoàn kết của 95 hộ dân trong tổ trong việc xây dựng Hoàng Thanh trở thành Làng văn hóa cấp tỉnh nhiều năm liền. Nhà văn hóa được xây dựng khang trang, to đẹp như hôm nay là hoàn toàn nhờ vào sự đóng góp của nhân dân; đường làng, ngõ xóm được mở rộng, đổ bê tông cũng nhờ có người dân tích cực đóng góp đối ứng, hiến đất, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Hòa hiến 100m2 đất nông nghiệp; hộ ông Nguyễn Ngọc Sơn hiến hơn 100m2 đất trồng cây lâu năm...
Ông Bình phấn khởi nói: Người có ít góp ít, người nhiều góp nhiều, người không có tiền thì góp công sức, quan trọng nhất là chúng tôi đã tạo nên được sự đoàn kết, thống nhất giữa các hộ dân trong tổ; tạo được sự thân ái, giúp đỡ mỗi khi có gia đình nào đó không may gặp khó khăn, hoạn nạn; giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế gia đình. Khi nỗi lo về miếng cơm manh áo không còn đè nặng lên đôi vai người nông dân thì họ mới nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng, làng xóm, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ văn hóa; trung bình hằng năm có hơn 90% số hộ trong Tổ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; việc hiếu, hỷ đều được tổ chức theo nếp sống mới; tình hình an ninh trật tự được đảm bảo...
Với hơn 70% số hộ ở Làng văn hóa Hoàng Thanh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, nhưng khi có Dự án Samsung, đất canh tác đã bị thu hẹp, giờ còn khoảng 14ha đất cấy hai vụ lúa. Để ổn định cuộc sống và thích nghi với điều kiện mới, nhiều hộ trong tổ đã chủ động đi học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp như mở cửa hàng buôn bán tạp hóa, quán ăn, xây nhà trọ...; số khác đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà theo mô hình gia trại; vườn tạp được cải tạo, đầu tư trồng cây ăn qủa cho giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, cam, chanh...
Theo nhẩm tính của ông Bình, hiện nay, số hộ khá giả trong tổ đã chiếm khoảng hơn 20%; chỉ còn 4 hộ nghèo, cán bộ tổ đã phân công các tổ chức đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên... phối hợp giúp đỡ, hướng dẫn vay vốn ưu đãi, cách làm ăn để các hộ này nhanh chóng thoát nghèo. Kinh tế ngày một phát triển, bà con trong tổ tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn; nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thực hiện tốt các quy định về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tổ thành lập được Câu lạc bộ dưỡng sinh, Đội văn nghệ... thu hút nhiều người tham gia hoạt động sôi nổi.
Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hoa đang thăm đồng, hỏi chuyện, bà vui vẻ nói: Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhìn thấy quê hương ngày càng đổi mới, đời sống so với trước khấm khá hơn rất nhiều, tôi hạnh phúc lắm. Giờ ruộng đất bị thu hẹp bàn giao cho các dự án, nhưng nhờ cấy giống mới, năng suất cao gấp 2 -3 lần so với trước nên giá trị thu được vẫn không thay đổi. Gia đình tôi cấy 2 sào lúa lai, năng suất đạt khoảng 2,5 tạ/sào.
Ông Nguyễn Hồng Vân, Bí thư Chi bộ cho biết: Tổ dân phố Hoàng Thanh có 8 đảng viên, họ được xem là những nhân tố tích cực nhất trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong tổ thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đầu tàu gương mẫu trong mọi phong trào, đặc biệt là trong làm kinh tế, giải phóng mặt bằng, trong đóng góp tiền đối ứng cùng với Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... để bà con noi theo. 5 năm liền Tổ dân phố Hoàng Thanh đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh đó là vinh dự và cũng là nguồn động lực rất lớn để cán bộ và người dân trong tổ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giữ vững danh hiệu này.