Ở tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất, họ sẵn sàng rời xa gia đình, “quăng” mình vào lửa đạn mà không hề sợ hãi. Đất nước thanh bình, họ lại hòa mình với cuộc sống thường nhật đầy chông gai. Thiệt thòi càng nhân lên đối với những nữ thanh niên xung phong (TNXP) một thời vào sinh ra tử, một số không lập gia đình, một mình sống đơn khăn gối chiếc. Những câu chuyện tôi kể dưới đây là nét phác họa phần nào điều đó.
Căn nhà của bà Hoàng Thị Lý nằm khiêm nhường giữa trung tâm xóm Cổ Rồng, xã Hoàng Nông (Đại Từ). Bà ở một mình, đồ vật đơn sơ và mọi sinh hoạt cũng thật đạm bạc. Trước khi tới thăm tôi đã được nghe cán bộ xã giới thiệu, bà Lý không lập gia đình, trời thương nên cho được hai người con giờ đều đã ra ở riêng, một mình bà lại thui thủi ở vậy.
Kể chuyện mình, giọng bà Lý trầm buồn: Tôi đi TNXP tháng 6-1972, được biên chế vào Tiểu đội 1, Đại đội 915 Bắc Thái. Khi còn ở nhà, tôi từng có mối tính sâu đậm với một người cùng xóm. Hai gia đình cũng muốn tổ chức đám cưới nhưng vì tôi còn đi học nên chưa đồng ý. Tháng 7-1968, ông ấy đi bộ đội rồi vào thẳng miền Nam thực hiện nhiệm vụ. Khi đến tận Trường Sơn rồi mới viết một lá thư gửi về, nói là đặc thù đơn vị đặc công nên phải đi rất vội. Bặt tin từ ngày đó, tôi cứ chờ mãi, chờ mãi đến tận ngày giải phóng miền Nam thì mới biết ông ấy đã hy sinh từ tháng 10-1970.
Tình cảm khi còn thiếu nữ, bà Lý luôn giữ trong lòng không hề thay đổi. Lá thư duy nhất ấy được cất cẩn thận như một bảo vật. Đất nước hòa bình, bà chuyển sang làm ở một công ty xây dựng. “Lúc đó tôi đã 33 tuổi rồi nên tôi quyết định không lấy chồng, chỉ “xin” một mụn con để làm nguồn vui. Năm 1986, tôi có thêm một người con nữa. Lúc đó xã hội còn khắt khe nên tôi bị người ta dèm pha nhiều. Lúc đó xấu hổ lắm, không biết để mặt đi đâu, nhưng rồi nghĩ mình làm thì mình chịu. Chẳng gì bằng được con mình dứt ruột đẻ ra” - bà Lý tâm sự. Vất vả rồi cũng dần qua, hai người con của bà giờ đều trưởng thành và lập gia đình riêng. Bà không muốn thói quen sinh hoạt người già ảnh hưởng đến con cháu nên chọn cách ở một mình. Thấy các cháu dần khôn lớn là niềm động viên.
Là một trong những người bị thương khi đơn vị Đại đội 915 trúng bom ở xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) tháng 9-1972, bà Chu Thị Pảo hiện cũng đang sống một mình trong căn nhà nhỏ tại tổ 10, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên). Sự kiện ngày 24/12/1972, Mỹ đánh bom vào khu vực Ga Lưu Xá khiến hơn 60 đồng đội hy sinh cũng là ngày bà không thể nào quên trong cuộc đời mình. Bà bảo: “Giờ tôi vẫn nghĩ chẳng biết vui hay buồn. Vết thương cách đó mấy tháng khiến mình phải nằm viện điều trị và chỉ được xuất viện trước hôm Noel đúng 3 ngày. Vì thế không tham gia bốc dỡ hàng hóa và may mắn thoát chết, nhưng cũng không thể sát cánh được cùng đồng đội”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Pảo cứ nhớ nhớ quên quên. Dư chấn của bom đạn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và trí nhớ. Đấy cũng là lý do bà không muốn lập gia đình. “Sau khi chuyển sang làm công nhân, có nhiều người mối lái nhưng tôi sợ mình bị thương, sức khỏe không có nên lấy nhau về lại trở thành gánh nặng, cứ ở vậy từ đó đến giờ” - bà Pảo chia sẻ. Tôi quan sát căn nhà cấp 4 rộng chưa đầy 50m2 của bà Pảo đã có phần xuống cấp, một vài vật dụng đơn sơ. Huy hiệu TNXP và những tấm ảnh chụp chung với đồng đội mỗi lần gặp mặt được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Tuổi đã cao, sức yếu nên bà không còn khả năng lao động. Mọi sinh hoạt hằng ngày trông cả vào số tiền trợ cấp gần 2 triệu đồng cho thương binh. Bà bảo: Tôi sống đơn giản nên chừng đó cũng tạm đủ, chỉ lo lúc ốm đau đột xuất cần một khoản tiền lớn sẽ không lo được. Quê tôi tận Bắc Kạn, sống ở đây không có người thân họ hàng nên giờ chủ yếu dành thời gian lên chùa cho thanh thản.
Có chồng, có con nhưng bà Hoàng Thị Mới lại vất vả nhất trông số những người tôi gặp. Lần theo địa chỉ giới của thiệu của Ban liên lạc cựu TNXP Đại đội 915, chúng tôi tìm đến căn phòng trọ rộng chưa đầy 20m2 của bà trong một căn ngõ nhỏ ở tổ 7, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Chồng ly thân và bỏ đi từ năm 1982, các con vì làm ăn thất bát, mang nợ nên phải bỏ hết vào miền Nam. Có chút tiền dành dụm để mua mảnh đất làm nhà bà cũng bị lừa mất. Vậy nên, đã ở tuổi ngoài lục tuần nhưng bà Mới vẫn phải ở trọ. Trước khi còn sức khỏe, ngày nào bà cũng bắt đầu từ khi gà chưa gáy sáng, đôi chân "mòn" theo những gánh rau rong ruổi khắp các xóm ngõ, để mỗi ngày đổi lấy ba, bốn mươi nghìn đồng. Giờ chẳng thể chạy chợ, bà lại hằng ngày đi xe đạp gần chục cây số xuống phường Cam Giá phụ giúp việc gia đình. Công tính theo ngày, làm đầy đủ thì được 100.000 đồng, ốm nghỉ là coi như đói. “Có đợt tôi ốm thập tử nhất sinh, nằm trong nhà trọ nghĩ quẩn có khi mình chết ở đấy có khi cũng chẳng ai biết đến. Tôi cố gượng dậy gọi điện nhờ một cháu chạy taxi, rằng lần tới thấy tôi bấm máy mà không nói gì thì đến cứ thế trèo cổng vào nhà giúp đưa đi viện. Tiền taxi tôi đã chuẩn bị sẵn dưới gối để cháu nó không phải thiệt thòi” - bà Mới kể mà dơm dớm nước mắt.
Còn nhiều nữa những phận đời thương cảm của nữ TNXP. Nhưng trong những câu chuyện, tôi hầu như không thấy họ than thở hay trách phận. Được sống và trở về đã là một điều hạnh phúc, sự động viên chia sẻ của cấp chính quyền và đồng đội giúp cuộc sống họ bớt phần hưu quạnh. Gặp họ, tôi thấm thía hơn những mất mát của lịch sử mà đôi lúc những người trẻ như tôi chẳng bao giờ hiểu và muốn hiểu, để thấy phải sống trách nhiệm hơn với cuộc sống hòa bình hiện tại.