Hỗ trợ lao động thất nghiệp tìm việc làm

05:59, 09/10/2019

Trung bình mỗi năm, tại Thái Nguyên có 4.000 - 8.000 lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Song song với đó, các đơn vị trong tỉnh đã duy trì nhiều giải pháp hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề và tìm kiếm việc làm mới. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này đối với người lao động vẫn còn thấp.  

Thực hiện chính sách BHTN, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền các chế độ, chính sách về BHTN. Trung bình mỗi năm, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ, lập thủ tục giải quyết chế độ BHTN cho từ 4.000-8.000 người. Chỉ tính riêng năm 2018, Trung tâm đã giải quyết chế độ BHTN cho 7.000 lao động (tăng trên 1.800 trường hợp so với năm 2017). Và trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 3.200 lao động được hưởng BHTN. 

Song song với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác BHTN. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đổi mới trong phương pháp làm việc, cải thiện môi trường giao dịch, tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các chế độ BHTN. Từ đó, tham mưu giải quyết các chế độ BHTN theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, đúng chế độ và thời hạn. Những năm gần đây, Trung tâm chủ động bố trí hẹn lịch giải quyết hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp vào thứ 6 hàng tuần, trùng với phiên giao dịch việc làm để người lao động được tiếp xúc và hỗ trợ tìm kiếm các công việc mới ngay trong thời gian hưởng chế độ BHTN. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm giải quyết hỗ trợ học nghề cho từ 200-400 lao động (chiếm 6% số lao động đăng ký hưởng BHTN). 

Có thể nhận thấy, tuy đã có những kết quả bước đầu nhưng hiệu quả công tác hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp vẫn còn thấp. Chị Bùi Thị Trang, xóm Gò, xã Tiên Hội (Đại Từ) cho biết: Tôi đóng BHTN được 4 năm trước khi nghỉ việc vào tháng 6-2019. Do hoàn cảnh gia đình nên tôi không muốn đi làm xa tại các khu công nghiệp mà chỉ muốn học nghề để thay đổi công việc. Tuy vậy, mức hỗ trợ với lao động thất nghiệp hiện nay là 1 triệu đồng/người/ tháng và hỗ trợ không quá 6 tháng là thấp, không đủ trang trải chi phí học nghề.

Thực tế cho thấy, mặc dù Quyết định số 77/2014/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định chi tiết về thời gian và mức hỗ trợ học nghề cho lao động, tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động, do đó chưa thu hút được người lao động thất nghiệp tham gia học nghề, chuyển đổi việc làm. Trong khi đó, người lao động cũng chỉ được nhận hỗ trợ học nghề khi theo học một số ngành nghề cụ thể, tại một vài cơ sở đào tạo nghề nhất định. Các khóa học nghề tại các cơ sở dạy nghề có thời gian học khá dài, có khi lên đến vài năm, trong khi lao động thất nghiệp chỉ muốn học nghề trong thời gian sớm nhất để quay lại thị trường việc làm. Phần lớn lao động thất nghiệp hiện nay là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần chi phí trang trải cuộc sống. Mức hỗ trợ thấp và thời gian học dài như vậy khiến người lao động dù có muốn cũng không thể nào học được nghề mới. Do vậy, tâm lý chung của người lao động là chọn làm tự do để có thu nhập duy trì cuộc sống trong khi tìm việc làm mới hoặc tìm kiếm một công việc lao động phổ thông khác.

Có thể khẳng định, hỗ trợ lao động thất nghiệp tìm kiếm việc làm và học nghề là một chính sách cần thiết. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, trở thành “cứu cánh” cho người lao động thì các nhà làm chính sách cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ học nghề, hỗ trợ chi phí đi lại cho người lao động thất nghiệp. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo nghề cần phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội, sắp xếp lịch linh hoạt, phù hợp với thời gian của người lao động và có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học nghề cao. Mặt khác, các ngành chức năng cũng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp, giúp người lao động dễ tìm việc làm mới sau khi thất nghiệp.